Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Dòng nhạc bolero...

Dòng nhạc Bolero…
(Con đường âm nhạc…)


   
   Có những câu hỏi:
   - Phải chăng, dòng nhạc bolero đã quay trở lại?
   - Tiết điệu bolero có dễ chơi và dễ hát không?
   - Tại sao nhiều người gọi đó là nhạc “sến”?

  - Chương trình Tình bolero đầu năm 2015 của đài truyền hình Vĩnh Long đã có tỉ số rating cao (tỉ suất người xem). Và các chương trình kế tiếp đó: Solo cùng bolero, Thần tượng bolero, Hãy nghe tôi hát…thì con số thí sinh tham gia cũng đã vượt mức dự đoán: Từ 10.000- 40.000 người (theo báo chí). Có lẽ, vì thông tin đó nên có nhiều người hỏi tôi: Có phải “dòng nhạc Bolero” đang trở lại?

   Thật ra, những bài hát mang giai điệu bolero không mất đi trong đời sống dân gian, thậm chí nó còn tồn tại mạnh mẽ qua băng đĩa, chơi nhạc nhóm bạn bè, ca hát karaoke…nó chỉ “quay trở lại” trên sân khấu truyền thông chính thống sau một thời gian dài bị “kiểm duyệt” (?) Nhưng, ở Việt Nam mình: Số lượng càng đông người tham gia thi thố…thì sợ nhiều thứ tài năng chỉ là sự ngộ nhận!

   Không phải ngẫu nhiên người ta gọi âm nhạc là “món ăn” tinh thần. Và mọi món ăn không phải ai cũng thèm ăn, hoặc ăn hoài…nên sự thay đổi “món”, thành phong trào cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Tuy vậy, những dòng âm nhạc có giá trị cao trong đời sống tâm hồn người vẫn là đề tài tình yêu! Sự tồn tại và bất diệt của thể loại nhạc bolero là bởi ngôn từ âm nhạc đó gần gũi với nhu cầu tình cảm, hiện thực bằng những nội dung có tính nhân văn quen thuộc: Hoàn cảnh lịch sử văn hóa, luân lý, tâm tình người Việt. Trong đó, phần nhiều là ngôn ngữ văn chương trang nhã có cả trang trọng và mộc mạc …

   Có ít nhất là một…trong 3 lý do để suy đoán sự trở lại của dòng nhạc bolero:
   + Sự hỗn độn và thiếu vắng những tác phẩm có giá trị âm nhạc có tính chuyên môn cao,  nội dung hời hợt, đơn điệu trình diễn hòa âm phối khí của âm nhạc Việt một thời gian khá dài…
   + Thời gian đã chứng minh sự tồn tại và có sức thuyết phục để thay đổi quan niệm theo hướng thưởng thức âm nhạc cộng đồng, hoặc là…đang tạo điều kiện, khuyến khích sở thích đam mê âm nhạc của đám đông (?)
   + Thừa nhận giá trị thực tiễn trong chuyên môn ngôn ngữ thanh nhạc và sự thành công về các tác phẩm có sáng tạo âm nhạc đương đại với bản sắc mang đậm nét văn hóa tâm tình dân tộc…

  -  Giai điệu bolero mang âm hưởng hơi giống nhau từ các tiết tấu của bộ gõ nhạc trống mỹ latinh. Nhưng, không mạnh như mambo hoặc tươi vui như chachacha, hay sang trọng và lịch lãm như rumba…vì tiết tấu bolero chậm hơn bởi sự réo rắc tự tình với chùm liên ba (rải 3 nốt nhạc). Thực tế, tùy bài hát tâm sự, ý tứ diễn cảm mà có những tiết tấu thay đổi không gian trong hòa âm phối khí! Vì thế, các bài hát sử dụng habanera, balade cũng có thể biến tấu thành bolero (hay ngược lại). Giới trẻ ngày nay, cũng hay dùng điệu “balad”…thông dụng vì điệu nhạc cũng đa dạng biến tấu, nên có thể dùng chuyển thể bolero cũng được(!) Nhưng đó là nói về khuôn nhịp thay thế tiết tấu, còn giai điệu kỹ thuật, âm giọng là chuyện khác…

   Nói đến ca hát là nói về giai điệu (thần thái, phong cách). Bất kỳ giai điệu nào cũng cần chút thời gian tập luyện? Và kinh nghiệm đã (sẽ) trở thành quán tính quen thuộc thì không có gì là quá khó! Chỉ có điều: Khi hát (nhả từ) với giai điệu bolero thì yêu cầu kỹ năng phát âm, chuyển ngữ một cách rõ ràng, mạch lạc, đúng chính tả. Vì, không phải ngẫu nhiên mà người ta thừa nhận bolero khi đến xứ mình đã thành công hơn về giá trị âm nhạc (đi đôi với phát âm ngôn ngữ tiếng Việt)…

   Trong các chương trình vừa qua, người ta trình diễn xen kẽ nhiều bài hát (trước 1975) mang nhiều âm điệu khác nhau, nên chương trình có tên gọi nôm na là “dòng” nhạc bolero…(chắc là họ có thêm nhiều ý niệm khác).  Nên, ở đây ta chỉ quan tâm đến những bài hát chân chất giai điệu của bolero mà thôi! Muốn thay đổi tiết tấu hay cách tân, sáng tạo cho hòa âm phối khí là tùy theo ý đồ, cảm xúc. Tuy nhiên, muốn trình diễn một cách nghiêm túc về tư cách nghệ thuật, thì nên dựa theo tinh thần của tác giả phiêu du qua dòng đời tư tưởng và vì đã trãi qua thời gian chọn lọc…

  - Bolero có phải là dòng nhạc “sến” hay không? Thực ra, khi người ta đã đưa những bài hát bolero cũ trở lại một cách chính thống…thì người ta đã thừa nhận (hiểu được) giá trị kinh điển của một thể loại âm nhạc. Tất nhiên, đi kèm theo nó còn phụ thuộc vào nhiều ý đồ khác (tạo sân chơi mới, thu hút rating truyền hình, kinh doanh truyền thông…)

    Cũng như mọi dòng nhạc: Có bài hay lẫn bài...không hay lắm! Và thường chỉ phụ thuộc vào tác giả là ai, phong cách và lối nhả chữ của ca sĩ trình diễn có phù hợp? Vì, với giai điệu khi dập dìu, lúc buông lơi của bolero khiến người ta có thể  dễ bị nức nở, sướt mướt, nũng nịu đến mức “sến” rện (cười)! 

   Qua các chương trình (kể trên) ta thấy phong cách của các danh ca thuở trước…khi họ trình diễn thì rất trang nhã, từ tốn và sang trọng hơn là các ca sĩ trẻ ngày nay(?). Điều đó dễ hiểu! Vì các ca sĩ thành danh đã trưởng thành trong dòng văn hóa mô phạm và qua thời gian chuyên nghiệp, nên phát âm trung thực, vừa phải với mục đích chỉ dùng thanh nhạc để điễn dạt nghệ thuật cho người khác nghe. Họ không quá cường điệu hóa, “phiêu”, “máu lửa” hay lạm dụng cách điệu ngôn ngữ…khiến cho thái độ nhầm lẫn kịch tính, điệu bộ và khẩu hình miệng trở nên giả tạo hay nhão nhoẹt ca từ…

  Với một nền học vấn tốt…ta không nên bình luận, dài dòng văn tự, khoe kiến thức (nghề “báo chí” hay mắc lỗi này). Những ca sĩ đã có thói quen kỹ thuật thanh nhạc opera, cải lương (ca kịch ) thường dễ bị lỗi khoe giọng, nên khó trung thực với nội dung một bản nhạc đương đại văn chương mang bản sắc dân ca giản dị (nhất là tiếng Việt).

   Ngày trước (cách đây 50 năm) bạn bè cùng lớp trung học…cũng hay gọi bolero là nhạc “sến”rồi! Vì lúc đó, học vấn và văn minh tây phương (Pháp Mỹ) ảnh hưởng rất nhiều đến phong trào hippy giai đoạn tuổi trẻ phóng khoáng. Cùng lứa tuổi nên tôi cũng hay chơi nhạc theo xu hướng hòa tấu rock venture Mỹ và hát tình ca Pháp…  

   May mắn là thời đó cũng có rất nhiều phong trào sinh viên (nhạc trẻ), đoàn thể xã hội (nhạc thiếu nhi, du ca), hội đoàn tôn giáo (nhạc đạo, thánh ca)…và nhất là nhờ có các ấn phẩm âm nhạc kinh điển và rất đa dạng về đời sống nhân sinh, tâm tình của những nhạc sĩ trong nước đã khiến tôi mở rộng, tìm cách hấp thụ được nhiều nền (dòng) âm nhạc khác nhau, nên bạn bè thường gọi đùa là "tay đàn phiêu lưu", kẻ “đa nhân cách" âm nhạc. Có lẽ vậy, nên Tôi là người thích âm nhạc, nhưng không thể (muốn) làm nghề âm nhạc!

   Bolero trở lại hay nhạc xưa quay về như một phong trào? Điều đó cho tôi một niềm vui hạnh ngộ và cũng thấy rõ nỗi buồn về một môi trường kém phát triển âm nhạc trong thời gian qua(!) Ngày nay, với trí thức âm nhạc không chỉ là loại nghệ thuật dùng giải trí, kinh doanh như người ta tưởng. Vì, cách trình diễn và nội dung âm nhạc có thể hình thành, tạo ra văn hóa ứng xử, xây dựng tâm hồn, kiến thức và đạo đức của xã hội đó…


2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Ơ...Trang Nguyễn "sang ngang" về đâu? Lâu lắm mới trở lại "thăm chốn xưa"? (cười)

      Xóa