Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Kiếp nghèo...



Kiếp nghèo…
   (vác bút giang hồ…)
    
   Thường…người ta bình bầu một vài nhân vật nào đó nhằm để thay mặt, đại diện cho một tập thể. Nghĩa là người đó được vinh dự là hình tượng mà cộng đồng chấp nhận như một đại biểu có giá trị tư cách, để tượng trưng mang tính văn hoá, nhân văn…
    Nhưng không hiểu sao người ta dùng từ (ngôn ngữ) “bình bầu”hộ nghèo? để có vẻ bi hài nhỉ? Híc…nghèo có gì vui vẻ mà cạnh tranh…
   Viết blog…bài “kiếp nghèo”khi mà nhiều người đang bị “nhồi máu” xa hoa và báo chí đang "bội thực" dục tính. Hê...mọi người đừng giận hay phiền  não, đừng hiểu nhầm mấy cô đó nghèo đến mức không có áo quần mặc nhe…(le lưỡi).

   Theo định nghĩa, thì những người được gọi là Nghèo…khi mà họ có khoảng tiền làm ra chỉ bằng ½ giá trị thu nhập bình quân…và được so sánh chỉ số quy định trong một số liệu kinh tế xã hội nào đó…
   Còn khái niệm Nghèo xứ mình…có lẽ, phải nghĩ tới những người “ăn bữa hôm, lo bữa mai”. Đó là chưa nói đến “nghèo xơ xác”, “nghèo rớt mùng tơi”…
   Cái thuở mới chập chững, mẹ tôi thường nói “liệu” một điệp khúc:
   - Đừng có mà vòi vĩnh kiểu con nhà giàu ngheo…kiếp nghèo phải biết thân, biết phận…
   Cho đến khi lớn lên Tui vẫn cứ thắc mắc:
   - Ủa…cùng là thân phận người mà cũng có kiếp giàu, kiếp nghèo nữa ha…?
   Người ta gọi là kiếp nghèo chứ ai gọi là kiếp…giàu bao giờ? Vì nghèo thường đi đôi với nghèo hèn, nghèo mạt rệp, nghèo cạp đất…(hic).
   Ấy vậy…cho đến khi cắp được vài cuốn vở lem luốc đến trường. Tui mới hiểu con nhà giàu khác con nhà nghèo như thế nào: Cùng là đồng phục học sinh nhưng da dẻ công tử, tiểu thư…chúng nó trắng nõn, tóc láng mượt, áo quần, giày vớ hàng “hiệu” tinh tươm. Hổng như mình: Con dân “áo vũ cơ hàn” xù xì đen nhẽm, tóc rối vàng cháy, áo quần nhàu nhò…chẳng biết lấy cái gì ủi thẳng. Đứng hàng dọc nhìn đầu tóc cũng thấy được thằng nào là “kiếp nghèo”.(hì).
   Nhưng điều đó cũng chưa chứng minh được gì. Cho đến khi tò mò, hỏi ra mới biết: Bởi họ…có mùa hè sang trọng, đi du lịch khắp nơi. Nếu ở nhà thì có điều hoà nhiệt độ, học thêm âm nhạc: Piano, violon…thanh lịch. Còn Tui ư? đi tourist bắt cua mò cá, nhặt củi, lụm được cây đàn guita thùng vỡ, chỉ còn bốn dây đờn, mò chơi muốn toát mồ hôi hột…hoặc lén lấy vở cũ, le lưỡi xé tay, vét cơm nguội dán diều, ngồi giữa cồn cát, nắng chói chang chang chờ gió thả…
   Có lẽ…nhờ vậy, thường thường lũ trẻ nhà giàu học giỏi hơn. Vì thời đại này, phải có gia sư kèm học thêm, học“tủ”…sách vở sạch sẽ, bút mực thơm tho mới đáng iêu hạnh kiểm giỏi (?)… Không như kiếp nghèo sách vở lượm lặt, viết trang này lem trang kia. Đi học thì thỉnh thoảng chạy bộ hụt hơi cho kịp giờ, lầy lội nắng mưa, do ông trời nổi hứng khóc hay cười…(khà khà). Lên trung học: Trường công, trường chuyên…có chen vào được, cũng chỉ được vài ba đứa thức khuya dậy sớm đói cơm, mặt mày xanh lè… 
   Ai cũng sợ nghèo, báo chí cũng chỉ ca ngợi người giàu. Trên ti-vi “phẳng”…kẻ nghèo cũng có lúc xuất hiện loáng thoáng, không son phấn…là chỉ khi cần vai phụ diễn để chứng minh kia: Lòng từ thiện, đây: Sự hảo tâm.
   Thỉnh thoảng cũng nghe được duy nhất một câu tâm lý, nghiệp báo rêu rao an ủi: “Người giàu cũng khóc” khiến người ta gật gù theo…(!) Tui thì tưởng nó có lý ở chỗ “nghèo thì nước mắt cũng…nghèo” . Nước mắt cùng một vị, nhưng có lẽ mặn nhạt khác nhau…nên tuôn ra ngoài hay để rơi vào lòng cũng là đã khác nhau rùi
   Sau một thời gian đi chu du thiên hạ, sống len lõi theo các tiết điệu boléro, valse, tango “Hỉ, nộ, ai, ” với đời…thì so sánh giàu nghèo cũng dễ ẹt hà…
   Giàu không có “kiếp” nhưng cũng có “loại” (hì hì). Loại giàu tích luỹ, giàu số hên giàu…chẳng biết vì sao? (thiệt đó). Lẽ đương nhiên, là phong cách những người giàu cũng có khác: Giàu quí tộc, giàu kiểu “đại gia”, giàu lối quan chức…Nghĩa là ra vẻ sang trọng, chơi nổi, hay bụng to cố ưởn ngực lép…(he he).
   Kiếp nghèo thì chỉ một loại “thiếu tiền”, trừ khi phân loại anh này xấu, anh kia đẹp (Tui loại 2)…Vì vậy, mới có chuyện bị một lần ngộ nhận, dám đem nhan sắc đọ với bạc tiền khi tưng tửng, hồn nhiên…dzụ một “em” ca sĩ, diễn viên hay người mẫu gì đó! Để rồi…cuối cùng bị bye “xì”một câu thoái thác, phũ phàng:
   - Thui đi, bị nghèo mà ham…dzìa đi Ku. (má ơi).
   Hơ hơ…Chữ nghèo hình như khó dấu kín. Nên kiếp nghèo cũng nhiều chuyện buồn cười lém. Lỡ đi mua hàng “xịn” thường sợ giá cả đắt đỏ, nên hỏi…người bán bỗng dưng điếc. Khi e dè bước vào nhà hàng sang trọng…liền bị bảo vệ chặn lối: “đi đâu?”…Hay đứng trên xe bus, giữa đám đông người thế nào cũng có những ánh mắt “hình sự” nghi ngờ đề phòng…
   Đó là chưa nói mình muốn làm “đuôi” đưa nàng về để khỏi sợ ma, mà kẻ “phái đẹp” kia ngỡ mình chờ cái gì đó rớt để “lụm” về làm kỷ niệm (đau khổ quá)...Cuộc đời thường luôn gặp cái nhìn thờ ơ liếc thoáng vu vơ, nụ cười bĩu môi xui xẻo. Ra phố giao thông cưỡi “ngựa sắt” dễ bị mấy thầy police thổi còi, ngoắc một ngón tay gọi lại kiểm tra xem có phải xe rác, xe độ chế…
   Ít người nghèo còn dễ kiếm ăn, sợ nhất là nghèo cả xóm, cả vùng…Và nghèo tiền nghèo bạc còn cơ hôị…Chứ nghèo học vấn thì bị thiếu luôn văn hoá ứng xử. Có giàu lên thì tư tưởng cũng hủ lậu hoặc điên khùng…
   Kiếp trai nghèo còn được làm “cu-li”, chứ thân phận gái nghèo mới khổ: “Mười hai bến nước (nhà) trong nhờ, đục chịu”. Rủi…dấn thân vào các “bến” nước (ngoài) TQ, ĐL, HQ…thì đầu tiên đành chịu đục, trong nhờ…hên, xui (chậc).
   Nhưng…đều là kiếp người, nên cũng có cái gì na ná để giống nhau:
   Hơ hơ… Không biết xứ khác ra sao? Cõi…xứ mình chắc do chênh lệch giàu, nghèo quá lớn, đột ngột nên: Nghèo hay “nổ”, giàu chơi “ngỗng” (bên hát, bên múa). Đi đâu cũng nghe “tiền” đậu trên môi son, dính mép khoé miệng: Người khoe dư tiền và người than thiếu tiền. Vì vậy, gọi chung là: Kiếp cầm…ca.( hì)
    Có lẽ thế! nên cuối cùng mới có câu được gọi là…binh đẳng:“Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”…
    

2 nhận xét:

  1. Hehe! Tui bốc câu cuối cùng đem về làm tư liệu để ....làm việc. Cám ơn hí!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, cứ tự nhiên...có cả hộp quẹt lửa kế cận (he he)

      Xóa