Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Lẽ phải ở đời...


Lẽ phải ở đời…
  
  Lẽ phải ở đời là gì...? Tôi lại có ý nghĩ kỳ cục:...Các nhà hiền triết thì thao thức suy tư, những nhà chính trị thì thích công thức hoá quyền lực, người bình thường thì hành động theo thực dụng, kẻ thông minh hay ngu đần thì luôn có những thái độ lưng chừng, hoang mang...
  Bởi lẽ, trong tôi...có những suy diễn khá là “lạnh lùng”và mẫn cảm:
  Nói đến lẽ phải ở đời…thì không thể nói riêng bản ngã cái “tôi”, của riêng gia đình, giòng họ hoặc xa hơn là dân tộc, chủng loại…
   Lẽ phải cho đời sống...là muốn định nghĩa về sự dung hoà, bình đẳng mà tạo hoá vốn đã hồn nhiên đem cả thế giới sự sống tự nhiên đến ban tặng...Nó không hề thử thách sự hơn thua mà chỉ là thước đo về lòng kiên nhẫn và sự bao dung.
   Người ta nói đến lẽ phải là nói đến giá trị tri thức, nhu cầu hạnh phúc của con người. Bởi vì, lẽ phải ở đời...rõ ràng là luôn luôn phụ thuộc vào những mối quan hệ cộng sinh chứ không phải sự kiêu hãnh tiến hoá...
   Người ta tranh đấu với đời là quy luật phát triển nhằm nâng cao nhu cầu sức sống của con người, nhưng nếu đấu tranh chỉ để độc tôn hành xử tranh đoạt nhằm giành quyền kiểm soát, thống trị...rồi thì cũng sẽ biến thành kẻ tham lam, bạo ngược…Tất nhiên, đó không phải hành động thuận trời, vừa lòng người như người ta thường nói...
   Con người sanh ra đời mục đích là tìm kiếm hạnh phúc…và hạnh phúc suy cho chân chính, tận cùng là vấn đề: Cơm no áo ấm, tình yêu và mối giao hoà bình đẳng thân thiện con người tao ra  xã hội:
   - Nền kinh tế thời hiện đại của con người hôm nay phụ thuộc nhiều vào tiến trình thực nghiệm khoa học, kỹ thuật sản xuất và phương pháp quản lý, điều hành xã hội dân sự…
  -Tình yêu? muôn đời là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách con người...đó vốn là nguồn gốc và lý lẽ cuối cùng của tình người…
-Một cộng đồng xã hội...thể hiện tính thân thiện là khi mà người ta biết cách tôn trọng chính kiến người khác, biết sống chính đáng với người, hợp pháp với xã hội...
   Vì vậy, Lẽ phải ở đời...nó không thể là: Tham lam, cá nhân, đặc quyền... không hề dựa vào tư tưởng áp đặt bởi quan điểm bất kỳ của riêng ai, của nhóm người nào. Bởi ai cũng biết: Sự tham lam quyền hành tạo ra ngộ nhận, sự bè phái gây nên chiến tranh và sự ích kỷ làm đỗ vỡ tình yêu, hạnh phúc gia đình...là điều giản đơn dễ hiểu, đâu cần phải biện luận, rêu rao chân lý...
   Người ta cần trung thực để thưởng thức được tài năng, người ta cần bàn bạc để thu lợi kiến thức và người ta cần bình đẳng để chứng tỏ được yêu thương...đó mới là lẽ phải cuộc đời cho mình và cho mọi người...
   Giả sử...cuộc đời luôn có hiện trạng trong một nền kinh tế không lề lối định hình, quyền lực mãi cố chấp...thì vẫn còn đó hỗn mang thiện ác, vận mệnh chao đảo, đời sống lao đao không ổn định....với hoàn cảnh nầy, con người thường lấn lướt với đời để tranh giành, bon chen, liều lĩnh, thách thức...rồi cười nhạo vào lẽ phải, đạo đức, tri thức của con người và đùa giỡn cả với thần thánh, hài hước với tâm linh. Lúc bấy giờ: Ngôn ngữ tình yêu trái timtấm lòng từ thiện đôi khi bị hoang mang lửng lơ...xa xỉ để biện hộ, để đổi chác và cũng là thứ được ca ngợi thay cho lấp liếm, sỉ nhục...Vậy thì, sự “thân thiện” trong hoàn cảnh này chỉ dành cho những kẻ “đạo chích”cùng hội, cùng thuyền...”đục nước béo cò”.
   Lẽ phải chắc chắn cũng không phải là đường một chiều...để cho ta ngỡ mình được thảnh thơi thong dong dạo bước...mà thực ra chỉ để giác quan bất tài cơ hội lươn lẹo, hoặc tâm lý lo lắng hay háo thắng hồ hởi chỉ  biết lao về phía trước, xem ai là người thắng thua, tiên tiến...là những châm ngôn phong trào “tranh thủ” “cải thiện”, chỉ tìm lối đi “phụ đạo”...là tốc độ, tranh giành đẳng cấp “hoành tráng”không rõ ràng xứng đáng, là ngôn từ khó hiểu “phiêu linh”...cho một nghịch lý “đảm bảo” tương lai...phải chăng? là một bức tranh cõi người xuôi chiều buồn tẻ...
   Lẽ phải không hẵn nằm trong chữ Hiếu: Khi hiếu thảo, hiếu học...để chỉ hiếu danh, hiếu thắng...mà ở chỗ hồn nhiên như ơn đất trời vốn có. Lẽ phải ở chỗ biết trao yêu thương đúng nơi mà đã gởi yêu thương không hề so sánh, cầu cạnh...và đương nhiên lẽ phải thường dựa trên tình người không ngăn cách bởi lý do nhân sinh phân biệt đối xử, triệt tiêu...
   Lẽ phải ở đời không thể có thói nông nổi hoạnh hoẹ thắng thua, không dèm pha quá khứ, không hờ hững tương lai, không “trăn trở” xu thời lọc thế...vì lẽ phải ở đời không có lòng tự tôn mà chỉ có lòng tự trọng, không có sự đắc chí mà chỉ có sự tự đắc tâm hồn, không hào nhoáng nhưng kiêu sa, không mánh lới nhưng thông thái....
  Lẽ phải với người là biết nghiêng mình nhìn đời cảm thông hơn là bất chấp cố trèo lên đỉnh cao chói lọi...vì lẽ phải ở đời là khi đi bên lề phải người ta cũng cần  phải tìm hiểu người đi lề trái bên kia...sẽ đi về đâu,  suy nghĩ gì...?
   Lẽ phải ở đời...luôn làm cho người ta phải chạnh lòng không dám nghĩ suy...
   Tiếc thay, lẽ phải ở đời...không hẵn là lẽ phải của riêng mỗi người, của hoàn cảnh nào đó...
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét