Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Triết lý bóng đá...


   Cũng không biết dùng ngôn từ Banh hay Bóng…?
   Nói theo…thiên hạ: Bóng đá là môn thể thao:Vua (!).
   Không biết ở đâu? chứ ở đây, xứ này! thấy người ta …mê bóng đá lắm!...Các ông tín đồ môn Túc cầu có thể thức đêm, bỏ việc, quên vợ con…mắt tèm nhem, đỏ loét cùng nhau thao thức, trăn trở xem bóng đá...
   Thấy vậy, hổng biết vì “trả thù” hay cũng vì thích xem, hoặc chỉ là xu thế thời thượng…mà dần dần cũng có nhiều phụ nữ nhà ta cũng…si mê bóng đá. Nhiều Bả, chỉ, ẻm, nàng… cũng tham gia hò hét cổ vũ “dzô dzô”rất…đam mê và hăng hái, cũng biết ôm nhau nhảy cà tưng chúc mừng, cũng chửi thề…ôm đầu tiếc nuối, mắt long lanh nhoà lệ tiếc thương, tràn đầy nước mắt bi hận…
   Có lúc, xem bóng đá cũng đã trở thành phong trào…bầy đàn. Người ta có thể ăn, nói, thức ngủ cùng trái bóng…lăn từ trong các cơ quan nhà nước cho đến trường học, chợ búa…đâu đâu cũng nghe đề tài “tám”bình luận đá bóng: Người rành tiếng nước ngoài, thì nói ra để nghe đầy vẻ kiến thức lịch sử:
   - Cho đến bây giờ thì chưa ai có thể qua mặt được vua bóng đá Pele hay Maradona…
   - Beckham…đúng là nhà “vật lý” thiết kế bóng…
   Tất nhiên là không phải bao giờ thần tượng của “fan” hâm mộ cũng đều giống nhau:
   - Zidane…điều khiển trái bóng mới là nghệ thuật siêu hạng….
   - Không… Ronaldo mới là đặc biệt “người ngoài hành tinh”…
   Nhưng các bà, chị em…ngoài chợ vì không đọc được tiếng nước ngoài nên chỉ biết xác định nhân vật qua…hình dạng bên ngoài:
   - Tui chỉ khoái cái thằng…trọc đầu (ronaldo)…hà! Hễ nó lên là dzô, lên là dzzzô…
   Bà khác:
   - Tui hổng thích thằng “mặt thỏ” đó! Cứ…xàng qua, xàng lại khó chịu thí mồ…cái thằng nhóc Ô-Quen (Michael Owen) gì gì đó! Nó chạy tốc độ phóng lên, đá…“bụp” dzô liền…
    Đâu chỉ có vậy, quan điểm phe xã hội cũng được lồng vào thể hiện:
   - Chúng ta phải ủng hộ Liên xô, Bắc Triều Tiên…các nước xã hội chủ nghĩa.
   - Tui nghĩ kỳ World-cup này đội Mỹ vào sâu hơn…
   Chủng tộc chủ nghĩa cũng không thiếu gì:
   - Là người đông bắc á, da vàng mũi tẹt…chúng ta phải làm cổ động viên cho Hàn quốc, Nhật bản mới đúng…
   Rất có thể, bóng đá là tối ư…quan trọng(Vua mà…) nên nhiều cơ quan nhà nước, công ty quốc doanh đôi khi cũng làm lơ là thông cảm cho nghỉ “bất thành văn”, nhất là khi để ủng hộ cho đội nhà, phe ta…(trên ti vi). Người ta (chắc là số ít) tự hào lấy nó làm đại diện quốc gia, dân tộc, vùng, miền…lấy nó! tượng trưng cho màu cờ, sắc áo…lấy nó! để khen tặng những người tài trợ giàu có…Thắng thì phù thuỷ thêm vào đó “niềm kiêu hãnh” đất nước, còn thua thì chắc phải…nhón gót “ngẩn cao đầu”(lạ thiệt) cái nào cũng có lý hết trơn... Đôi khi, chuyện thắng thua trở thành trò “thể thao” đá bóng chính trị: Khích bác, ca ngợi…tính kịch bản của các bài báo nghe như hơi hám quảng cáo, tuyên truyền…
   Cái gì đã trở thành phong trào, thì đương nhiên cũng hình thành văn hoá sống. Văn hoá bóng đá là gì…?   Nếu nó cũng chỉ là văn hoá sinh hoạt chơi thể thao thuần tuý? thì cũng nên đáng được khuyến khích, ủng hộ… Nhưng mà văn hoá bóng đá ở đây? Sợ nó trở thành…bệnh: Bệnh hoang phí, bệnh thưởng thức thời thượng, bệnh lợi dụng và…bệnh vớ vẩn, trống vắng!
    Bởi vì, từ bóng đá…người ta cũng nhận ra tính cách, văn hoá ứng xử, thói quen vội vàng người trong xã hội đó…Biết đâu? người ta “vin” vào cuộc chơi để suy tôn, cá độ, nhậu nhẹt và hò hét, chửi rủa nhau…để rồi lãng quên hiện thực sinh tồn hỗn mang, là thứ kiểu cách thời thượng, là một thú hào nhoáng kiếm chuyện ham vui không ý thức, thưởng thức không học vấn…(nói hơi quá).
   Ở đời, bất cứ cái gì đã trở thành tham vọng, phong trào…là cũng có si mê và có lợi dụng. Người ta dễ lầm lẫn: Tường thuật trở thành bình luận-đạo diễn, giao lưu trở thành võ đài, thi đấu thể thao lồng vào chính trị…xã hội hoá cho trò chơi kinh doanh thao túng…
   Ngoài mục đích hoà bình, hữu nghị…thì thi đấu thể thao luôn là điều con người chiêm ngưỡng được tài năng và cảm nhận trong sự hào hứng, thích thú! Bóng đá là môn thể thao có không gian rộng và lớn khối lượng khán giả đong đảo…Và ai cũng có thể thưởng thức bóng đá với nhiều cấp độ , nhu cầu khác nhau…
   Nhưng chắc chắn một điều: Khi trò chơi nào đó trở thành sở thích cực đoan vì tư tưởng a-dua, vật chất kinh doanh, đánh đố…Thì sự hấp dẫn, hồi hộp không phải bắt nguồn từ cao thượng, trung thực, thuần tuý trong nhận thức thưởng thức kỹ năng con người, tài năng chiến thuật, chiến lược nghệ thuật thật sự nữa…Nó trở nên lạ lẫm, cho sự đời…bắt bóng ngớ ngẩn…  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét