Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Văn hoá và định mệnh...


  Văn hoá và định mệnh…
   (Phiêu lưu, dạo chơi …)
   Văn hoá tạo nên cá tính hay cá tính tạo nên văn hoá, tôi không miễn cưỡng phân tích chúng. Nhưng rõ ràng thói quen văn hoá bắt nguồn từ tư tưởng hình thành nên thái độ, hành động…Và hành động thường tạo ra định mệnh…mà buộc người ta phải suy tư, thừa nhận…
   Người ta cũng thường nói rằng: Nhìn cách đánh cờ tướng hay một trò chơi thi đấu cá nhân thì có thể nhận ra cá tính của người đó! Hoặc mở rộng ra một tập thể…đội bóng đá của một đội tuyển quốc gia nào đó, từ lối chơi, cách thức, thái độ trong thi đấu…cũng thể hiện đôi nét chính nằm trong ứng xử văn hoá thể hiện cá tính nổi trội của một xã hội, dân tộc…
   Bạn có thể thích đội tuyển Pháp, Anh, Đức, Nga, Braxin hay các đội khác…Vì nhiều lý do…tình cảm cá nhân, quan điểm phe ta hay tính cách nghệ thuật, văn hoá thi đấu…thì cũng đã nói lên cái nghĩa của thói quen, kiến thức chuyên môn hay quan niệm đó rồi! Nhưng mà…phần lớn tính công bằng thực sự là ở từng trận đấu…còn sự may mắn không có ý nghĩa gì về khả năng, đẳng cấp…Trong khi đó, sở thích tài năng, văn hoá thể thao nó thường thuộc về quan điểm của bạn, trừ khi bạn cần mù quáng để tìm thần tượng hay chỉ tìm phe ủng hộ...
   Đôi khi, tôi nghĩ người ta hay đỗ thừa hoặc biện luận cho truyền thống mà thực ra người ta mơ hồ không biết đâu là nguồn gốc, sự kiện, không chứng minh được lý lẽ…trong khi thực tế nó chỉ là thói quen từ quán tính tư tưởng, quan niệm sáo mòn…
   Có thể, mỗi đặc điểm văn hoá đều có ảnh hưởng đến tính cách đi đôi với những khuyết điểm và lợi thế: Tương đồng hoặc đố kỵ, thành công hay thất bại…Chẳng hạn, khi thuyết minh, tường thuật hay bình luận một trận đấu bóng đá…thỉnh thoảng ta cũng nhận ra nét đặc trưng sự thật thể hiện trong cung cách ăn nói phổ thông văn hoá: Trung thực hay thiên vị…để rồi vô tình hay hữu ý đã nhầm lẫn tường thuật thành chuyện gia kiến thức, suy diễn kịch bản, đạo diễn…Mặc dù là cá nhân, nhưng đôi khi nó thể hiện đâu đó văn hoá sở thích vùng miền, dân tộc…
   Dạo nọ…khi đi trên đường phố, thấy người ta treo một “khẩu hiệu” giăng ngang trên đường phố có nội dung đoạn: …tích cực vận động thực hiện “hai không”trong giáo dục. Ngạc nhiên tôi hỏi:
   - “Hai không” là gì? Có phải bài hát “không tên số 2” không? (he he).
   Vài người nhìn tui ngớ ngẩn…một người trong nhóm công tác tích cực giảng giải:
   - Anh chả hiểu gì hết trơn…“Hai không”là chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục…
   - Ủa…ai tiêu cực?  thành tích mà cũng là “bệnh” à…lạ thật!
   Anh ta rất nhiệt tình đả thông tư tưởng:
   - Trời…anh chả hiểu gì cả. Chống “tiêu cực” trong thi cử và “thành tích” giả dối trong học tập…
   - Học sinh hay giáo viên?
   - Thì là…Học sinh, giáo viên, người trong ngành giáo dục…
   - Ủa bị…bệnh lâu chưa?
   - ….(?)
   Tui cười hề hề cho phôi pha chuyện cũ…góp ý chuyện mới:
   - Anh có treo nhầm chỗ hông vậy? Chuyện học hành đem vào trường học treo mới đúng!
   Anh ta cười vẻ thông cảm cho người (tui) kém hiểu biết về công tác vận động quần chúng:
   - Đây là bệnh chung của xã hội không riêng gì ngành giáo dục…
   À…chắc là cả phụ huynh cũng mắc bệnh...Tui cười gật gù ra vẻ hiểu rùi…(ặc). Điều không hài lòng ở đây, chỉ đơn giản…là khẩu hiệu mang tính văn hoá văn bản, phổ thông quần chúng mà lại dùng từ “hai không”…khó định dạng, mất công tìm hiểu, tra tự điển ngành giáo dục (không biết có không).
   Thật ra, tui hổng thấy bệnh gì cả...chỉ có phương pháp hành xử quản lý và văn hoá mô phạm, nội dung khoa giáo là có vấn đề ..
   Một ngày trong năm…nhân dịp ngày “Hiến chương” nhà giáo, tui đến thăm hai vợ chồng lớn hơn tui nhiều tuổi và đều là giáo viên, đã quen biết từ hồi còn niên thiếu…
  May mà đến muộn, nên khách khứa đang ra về. Chào hỏi xong tui vui vẻ hỏi Anh. Chị:
   - Ngày này chắc là ngày…tết của thầy cô rồi…!
   - Ừ…thấy sao? có ngày lễ nhà giáo này hay phải không? vừa mang tính giáo dục…vừa là truyền thống “tôn sư trọng đạo”…và là thể hiện lòng biết ơn, nghĩa cử của toàn xã hội...
   Tôi cười vì anh nói như đọc châm ngôn diễn văn…nhưng thẳng thắn, chân tình hỏi lại:
   - Anh chị thấy sao? Tâm tư thật tình không…hay chỉ là hình thức lễ nghĩa? Tôi thấy mục đích chính của bản “hiến chương”là quy ước nghĩa vụ giáo dục phổ cập, là điều lệ cho nghề giáo viên giữ đạo thầy cô thì đúng hơn…
   Trời ơi! ai cũng biết trong những cái tình nhân gian…thì nghiã thầy trò, là cái ân tình tự nhiên, hồn nhiên như ơn đất trời vốn có. Có thể chỉ khiêm nhường, lặng lẽ…nhưng sâu lắng nỗi niềm đến tận đáy lòng, không gì hình thức để diễn tả...
   Anh chị nghe không hài lòng lắm, nhưng biết rõ tâm tình và cách ăn nói…ý nhị “trời ơi” của tui nên cũng không so đo…chuyển qua hướng khác:
  - Ngày trước đi học…nhà trường và phụ huynh không cần biết mặt nhau. Lên trung học Thầy trò nhiều khi cũng chẳng cần nhớ mặt…Sao bằng mối quan hệ gia đình và học đường chặt chẽ như hôm nay…
   - Phải, nhưng thuộc về quản lý kỷ luật xã hội với học đường...hơn là giáo dục. Anh chị cũng thừa hiểu mối quan hệ thân thiện cũng ảnh hưởng đến sự trung thực, trách nhiệm chuyên môn, tính nguyên tắc, công bằng…đó là chưa nói về sự thiếu bình đẳng cả nể trong giao lưu, hình thức, , rồi dẫn đến giao hữu quà cáp vật chất…tế nhị. Ngoài ra, sự áp đặt hình thức trong giáo dục tâm hồn luôn là điều phi lý của tâm lý giáo dục…
   Tui hỏi thành thật:
   - Hôm nay ngành các anh chống “tiêu cực” gì?
   - À…Chống không nghiêm túc trong thi cử…xét năng lực so với báo cáo(điểm)chất lượng học không thực, “ngồi sai lớp”…chẳng hạn.
   - Gian dối trong thi cử…là chuyện coi thi và chấm thi: Một là thiếu “kỹ sư” tâm hồn, hai là tham nhũng…sao gọi là tiêu cực? Còn bỏ lối thi đua hình thức, tiêu chuẩn báo công, thì ai thèm lươn lẹo lập “thành tích” chi nữa. Xã hội nên biết sử dụng giá trị thật hơn là bằng cấp…thì lo gì không trung thực trong học tập.
   Anh vội vàng phân tích, tâm sự như biện luận:
   - Nhu cầu xã hội phát triển cao, chương trình học “nặng”…nếu không cho các em lên lớp, thì sợ những đứa học kém bỏ học…ảnh hưởng đến tiêu cực xã hội. Khổ nỗi…điều này cũng thuộc về đạo đức, lương tâm và tình thương các em…khó mà thực hiện nghiêm túc, vẹn toàn  trong hoàn cảnh này…
   Nghe vậy, Tui bỗng muốn phiêu lưu suy nghĩ và dạo chơi tư tưởng: Đã gọi là phổ thông thì chương trình phải phù hợp...phần lớn học sinh đều học được. Đừng quá tách biệt chương trình, trường, lớp…đẳng cấp học sinh giỏi hay dở khiến nó biến thành giai cấp. Hạnh kiểm và lực học không là định kiến sai lầm vào một thước đo chung. Mục đích nhà trường phổ thông là huân tập, hổ trợ học sinh có kiến thức, phẩm hạnh, hoà đồng…hơn là đào tạo kiến thức chuyên môn. Ngay cả vấn đề phân ban cũng mang tính tương đối...Đi sâu vào chuyên môn, chuyên ban là lĩnh vực thuộc các trường đào tạo nghành nghề mới cần những kỹ năng thực dụng... Đó là chuyện của các trường chuyên nghiệp nghề…trung cấp và cao đẳng, đại học...
   - Ủa…các thầy cô giáo mới ra về…cũng là học trò của anh à?
   Chị nói xen…chỉ vào Anh:
   - Không…các thầy cô đó thăm hiệu trưởng.
   Tôi sợ mất thời gian của họ:
   - Vậy các anh chị đi thăm lãnh đạo Phòng, Sở chưa?
   Anh ta nói như phân trần:
   - Tranh thủ hồi trưa rồi…văn hoá ngoại giao mà!
   Nói đến hai từ “văn hoá” tui chợt nhớ có những hình thức cổng chào: Làng văn hoá, thôn văn hoá, tổ văn hoá và những giấy khen gia đình văn hoá…để chợt hiểu: Khen nhau cũng là văn hoá…
   Phải chăng Văn là…Người? Lòng tin nầy sao trở nên lo lắng…trống vắng đến lạ lùng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét