Lãng du…
(Chỉ là câu chuyện đường xa…)
Trong 12 ngày lãng du về miền
tây phương nam, tìm kiếm bạn bè, tham quan xứ xở...Tôi ghé lại nhiều nơi và để
rồi có nhiều câu chuyện ngắn giao lưu chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề
nghiệp, chuyện tình nước non…
Có những mẫu chuyện đơn giản
pha chút hài hước…thi ca, có những điều chuyên sâu về nghề nghiệp, tâm tình quá
khứ-tương lai-hiện tại…hồn nhiên như làn khói thuốc, thi vị cà phê với trăng
thanh, gió mát… Nhưng cũng có những câu chuyện nghiêm túc đẩy đưa số phận, định
mệnh đời người…
Có cái hay, cái dở nghe mơ hồ
…chỉ là phiêu lưu như dòng nước cuốn trôi lững lờ hoặc nói xong…cho gió trời
thổi đi vào mênh mang…Nhưng mà, cũng rất chân thành theo kiểu mộng hải hồ:
Một người nông dân hỏi tôi:
- Anh là người miền trung…ha?
Đi xa hông?
- Khoảng gần 1000km.
- Đi cầu bà chúa xứ núi
Sam…ha?
- Không! …người ta cầu xin gì?
- Cầu buôn may bán đắt, cầu
giàu có…
- Anh không cầu à?
- Làm ruộng…thì cầu làm gì?
người xứ khác dzìa cầu không hà…
Anh ta tiếp tục hỏi tôi:
- Ở đó… miền trung á! có khác
ở này, nhiều ha?
- Ừ…ở đây nhiều sông nước, ở
kia lắm núi rừng và biển…
Tôi hỏi lại:
- Ở Châu Đốc…Tôi tìm đàn
guitar không có, ở Long Xuyên có bán đàn này không?
- Đàn dzọng cổ thì có, đàn hát
nhạc…thì hổng biết có hông nữa?
- Không có gì khác nhau cả…chỉ
khác: Người miền Trung phần nhiều thích hát tân nhạc, còn ở đây thì thích ca cổ
nhạc…
Anh ta gật gù:
- Dzậy na…Ừa!
Tôi nhớ trước kia ra Hà Nội,
có vị giáo sư hỏi tôi:
- Ở đây, anh thấy…khác gì
trong nam…
Tôi cũng chẳng thấy có gì
khác…nên vô tình nhìn một cái khác rất nhỏ:
- Chỉ khác nhau ở cái thùng
rác…
Ông chau mày, tôi cười vui nói
tiếp:
- Thùng rác ở đây đề chữ “Hãy
đỗ rác vào thùng” còn trong kia thì “Xin cho tôi rác”!
Ông gật gù và cho rằng…tôi
muốn nói đến sự khác nhau về văn hoá giao tiếp và cách giáo dục.
Khi ngồi trong quán, nghe
giọng nói, biết tôi trong nam ra, người phụ nữ chủ quán dặn dò tôi chân tình:
- Ra đây, khi mua cái gì? anh
phải hỏi giá trước…mới hẵn mua.
Và đến miền Trung (Huế) một
người lại nói với tôi:
- Người Huế ngọt ngào và sâu
sắc phải không anh?
- Không phải mô…sâu lắng và
cẩn thận thì đúng hơn…
- Răng? anh nói rứa…
- Vì…ngọt ngào thì ở trong
nam, còn sâu xa thì ngoài bắc rồi! Chắc là người miền trung là…đòn gánh cả 2
miền nam bắc.(he he)
- Vui hí!...
Tất cả những câu chuyện trên
chỉ là ý tưởng bất chợt ngoài đường và chỉ là câu chuyện vui tự nhiên thôi, tôi
không hề mang theo tư tưởng gì cả…
Với riêng tôi, Hà Nội và Sài
Gòn là tượng trưng cho hai nền văn hoá nam-bắc đặc biệt và cũng thật khác
biệt…mặc dù, người Hà Nội xưa không còn nhiều, nhưng phong thái văn hoá thanh
lịch cũ vẫn còn thấp thoáng đâu đó! Cứ mỗi buổi chiều, tôi ra Hồ gươm ngồi trên
ghế đá tưởng tưởng không gian âm nhạc của Đoàn chuẩn-Từ Linh như người hoài
cổ…Còn Sài gòn hôm nay, cách đây 10 năm cũng khác xưa vì dân nhập cư nhiều, nên
văn hoá đường phố có chút…pha lẫn. Nhưng hình như ai đến Sài gòn cũng hoà nhịp
nhanh vào cách ứng xử cảm quan năng lực của “người Sài gòn”. Chẳng hạn, ở Đồng
Nai_Biên Hoà…Tôi có cảm giác phần lớn là người di dân miền bắc…họ vào trong
này, nhưng cách sống lại theo tập quán của người phương nam.
Về hình thức thì nền văn hoá
phương bắc đã tràn vào phương nam…nhưng hình như tâm hồn người phương nam chưa
có gì thay đổi lớn. Có lẽ, nền kinh tế thị trường, sản xuất công nghiệp hay
đồng giao miệt vườn, sông nước…đóng vai trò giữ mãi cung cách ở nơi đây…!?
Ở miền trung có 3 thành phố
lớn tượng trưng bản sắc văn hoá cá tính con người là Đà nẵng, Huế, Vinh, Nha
Trang…Nhưng chỉ có Đà nẵng là có khả năng, tính cách hội nhập lớn vào nền văn
hoá chung, hiện đại và thân thiện tốt nhất! Nha trang thì vẫn còn lặng lẽ…
Một người sài gòn nói với tôi:
- Giao thông đường phố đông
đúc anh phải ứng xử theo lề lối trong này …mới ra đường được.
Đúng vậy, khi tham gia giao
thông Tôi mới hiểu được cái luật…tự nhiên: Người tránh người, xe tránh xe, sau
tránh trước, không thắng gấp và cách nhường nhịn không chen lấn tuỳ tiện, đường
đi phải theo luồng dự kiến sẵn…mới không gây ảnh hưởng “văn hoá” giao thông
thành phố.
Giao thông Hà nội bây giờ cũng
đỡ hơn nhiều rồi! cách đây mấy năm trước…ra đường phố phải tự phán đoán con
người sử dụng phương tiện chứ không phải luật lệ. Thực ra, không phải do ý
thức! mà theo tôi, chỉ là chưa có kinh nghiệm và năng lực sử dụng phương tiện
mới và thói quen hạn chế cảm quan xa…
Tôi nghĩ, tai nạn giao thông
nặng nề thường sãy ra nhiều ở các tỉnh lẽ…
Khi đi trên các đường giao
thông quốc lộ về miền nam…tôi có cảm giác an toàn hơn là trên các trục đường ra
miền trung, phương bắc.
Ngoài ra có nhiều câu chuyện
vào đời…Có sinh viên hỏi tôi như đánh đố:
- Làm sao để thành đạt?
- Thì học tránh bớt điều thất bại.
- Học ở đâu?
- Học chính mình…
- Người ta nói học thầy, học bạn…chưa nghe
ai nói học lấy chính mình?
- Có chứ!...Học người khác chỉ mới là học
lý thuyết, còn học chính mình mới là học tập thật sự!
- Nhưng kiến thức vẫn là cái chung…
- Đúng vậy, nhưng nó chỉ là tài sản chắt
chiu…chứ không phải vốn liếng vào đời!
- Vậy “vốn liếng” đó là gì?
- Thành…Người!
- Nghĩa là phải có nhiều đức
tính tốt?
- Không!…chỉ cần lòng can đảm.
- Can đảm là sao?
- Can đảm khác với liều lĩnh
và tính cách anh hùng …
- Ví dụ…
- Là đừng tìm cách che đậy
những khiếm khuyết và dốt nát của mình…
- Nghĩa là trung thực?
- Không…trung thực chỉ cần cho
người nắm quyền lực là đủ.
- Đó là lời khuyên ư?
- Không! nó là “công
thức”…nhưng nghe xong đừng để bụng.
Còn cô gái thì lại hỏi cắc cớ:
- Chú ơi vào đời, làm sao khỏi
nhầm lẫn hoặc bị lừa?
- Thì đừng Si mê
- Làm sao khỏi Ngu…
- Đừng sân hận
- Làm sao khỏi nóng giận…
- Dễ ẹt…đừng Tham cái không
phải của mình là thông minh rùi…
Cô gái thăm dò gia đình tương
lai:
- Làm sao để biết người
chồng tốt với mình?
- Nhìn anh ta đối xử với mẹ,
em gái và bạn gái thì biết liền…
Chàng trai xen vào:
- làm gì để trở thành người
chồng tốt?
- Đừng say mê cờ bạc và ghiện
rượu …là được.
- Còn vợ?
- Người ta thường nói “thứ
nhất vợ…dại trong nhà…”
Cô gái thắc mắc:
- làm sao biết mình …dại hở
chú?
- À…Con có bao giờ “đứng núi
này trông núi nọ” hông? dại…khủng khiếp!
Cô gái suy tư:
- Còn lấy chồng miền nào thì
tốt?
- Muốn công danh? lấy chồng miền
bắc; muốn nuôi dạy con giỏi? lấy chồng miền trung; muốn thân tình thì lấy chồng
miền nam…
Chàng trai:
- Còn lấy vợ…?
- Con gái bắc nhiều chung thuỷ,
con gái miền trung tề gia nội trợ, con gái miền nam…tính hiền, dễ thương.
- Thiệt…ha chú?
- Suy diễn một chút
thôi…tuỳ người!(hi hi)
- Chú thích người miền
nào?
- 3 trong 1…
- Chù chà…hay ác!
Đi
đường dài, thì có khi lên đèo xuống dốc, gập gềnh khói bụi, đường vắng cô độc
và cũng có chuyện buồn, chuyện xui rủi là lẽ bình thường. Chuyện buồn chỉ là
chuyện trẻ con chập chững vấp ngã, xui rủi là lẽ đương nhiên phải nhận của ước
mơ xa …Nhưng, cũng có những đoạn đường dài thong dong nhìn đời trôi vun vút như
những chuyến xe qua mau, âm thanh nghe dữ dội chà xát mặt đường, phá tan không
khí…bỏ trôi lại những phố thị đèn hoa sau lưng.
Có lúc ghé dừng chân nghỉ ngơi
quán bên đường, tôi thấy mình trẻ lại, vì thấy ta vẫn còn là lữ khách. Và đã là
kẻ lữ thứ thì ước mơ bao giờ cũng đơn giản… nằm đong đưa cà phê võng giữa trưa
hè nắng gắt, nhìn hàng cây lặng lẽ thoảng hơi gió bình yên mà để nghe lòng mình
mơ màng xôn xao đi tìm hạnh phúc…vì hạnh phúc tôi đôi khi chỉ là những người
quen biết tâm giao, dẫu chỉ một hai lần gặp gỡ trong đời rồi đi vào phôi
pha…cũng đã là quí hoá mộng đời!
Tôi đam mê mái ấm gia đình và
yêu cả cảnh đời lao xao tất bật, mảnh đời trơ trọi cô đơn…Có lẽ vậy, mà tôi trở
thành kẻ lượm lặt tình cảm cõi đời làm hành trang mộng ước rong chơi…
Có một chuyện…trên đoạn đường đi
về hướng tây vừa ra khỏi Sài gòn 30 km, xe tôi lao với tốc độ 50km/h…thì đụng
phải ông già bán vé số đi trên chiếc xe đạp lạng quạng…may mà tôi lách kịp nên
chỉ chạm vào gi-đông…chiếc xe đạp ngã, còn ngón tay mình thì bị vết rách khá
sâu. Qúa đà trên 50m tôi mới dừng xe và quay lại…từ đàng xa đã thấy ông đứng
dậy, khi thấy tôi quay lại ông ngồi bệt xuống…ăn vạ. Nhưng khi thấy tay tôi
chảy nhiều máu mà vẫn ân cần hỏi han đề nghị chở đến trạm xá gần đó! Ngần
ngại…ông chỉ nói:
- Không có gì bị nặng, nhưng hơi
đau chân! Làm sao ngày này đi bán vé số hết được?
Tôi nhìn xấp vé số trên tay:
- Chú còn bao nhiêu vé?
- Khoảng hơn 100 tờ…
- Một vé bao nhiêu?
- 10.000 đồng…
Trời!… đã từ lâu tôi có mua vé
số đâu mà biết giá…đắt dữ vậy! Trước kia, tôi chỉ biết có 2000/tờ là tạm được.
Hay là người nghèo bây giờ giàu rồi…?
Thật tình mà nói, tính tôi ghét
hên xui, đỏ đen tiền bạc…vì không biết cuối đời mình sống với vật chất nhờ cố
gắng tự lập tính toán hay nhờ may rủi…chơi vui thì được. Xổ số kiến thiết hồi
trước mới phát hành, tôi cũng cố gắng mua ủng hộ…Nhưng sau này thấy ngày nào
cũng xổ, nên nghi ngờ trò chơi kinh doanh cờ bạc “phổ thông” đành…lãng quên.
- Vé số loại này! Chú bán cho
người giàu hả? sao nhiều tiền dữ vậy…
- Trước tết…5.000 đồng! Từ tết
đến giờ 10.000 rồi…
Chà…đồng tiền phá giá? hay muốn
nâng cao đời sống cho người bán vé số đây?
- Một ngày bán, chú kiếm được
bao nhiêu tiền?
- Thường, ba bốn chục gì đó…
Tôi tranh thủ thương lượng:
- Vậy tôi đưa Chú 50.000 đồng!
được không?
- Anh cho tui xin một trăm ngàn
đi…
Tôi móc ví lấy tờ một trăm đưa
cho ông và có người đi đường ở lại làm chứng là thoả thuận xong…tôi mua ông một
tờ vé số, lật đằng sau thấy trúng độc đắc 1.500.000.000 đồng…rồi đưa luôn cho
ông:
- Này tặng Chú một tỷ rưỡi nè…
Mặc cho ông ngạc nhiên, tôi vào
trạm xá bên đường băng vết thương của mình…may mà không chạm đến xương. Nếu
không, ảnh hưởng đến cầm bút, gõ blog hay chơi đàn… hên thiệt!...Khi lên xe,
tôi còn nghe ông già bán vé số đang thảo luận số đề với giấc mơ thấy “con rắn’
của bà hàng xóm…
Cũng từ chuyện tai nạn này, tôi
kể lại với cô bạn gái gặp ở Biên hoà, thì đã cho tôi biết một sự kiện…trúng số:
- Anh biết không? ở đây, có
người trúng số…bị người ta tới xin nhiều quá! Lúc không cho nữa…bọn nó ném đá
vào nhà, không ở được phải dọn đi nơi khác!
- Thì khi trúng…đừng cho họ
biết!
- Sức mấy mà dấu được…bọn người
bán vé số họ biết còn nhanh hơn mình.
- Em có mua vé số không?
- Thôi…mua chi, chờ gì? cái số
trúng...
- Ừ…phải, để rồi mất đường xưa,
xóm cũ…he he.
Cô ta cười:
- Anh chẳng có gì thay đổi, vẫn phong
độ như dạo nào…
Nhưng khi ngồi uống rượu ngoài
quán thì cậu bạn trai của tôi lại giới thiệu hai anh kỹ thuật viên của công ty
…trong đó có một anh đã vài lần trúng số.
Tôi cười hỏi:
- Như vậy, trúng số cũng có…số
he…?
Anh ta cười vui vẻ:
- Chắc dzậy…nhưng, cũng giống
như tiết kiệm, vì tui chơi số hơn…20 năm nay rồi, một ngày ít thì cũng… bốn năm
tờ.
- Tiết kiệm bằng cách mua vé số?
thì có vẻ…phiêu linh à nghen…
Anh ta rất thật lòng:
- Thật ra, làm công ăn lương…chỉ
mong chờ trúng số, thà có cái gì để mong đổi đời…
Ngồi đẩy đưa câu chuyện nghề
nghiệp, nghe cậu bạn giới thiệu về tôi…họ ngạc nhiên thấy nhu cầu nghề nghiệp
xã hội vững vàng như tôi, mà đã nghỉ việc sớm, đi chu du sơn thuỷ, coi thiên hạ
thái bình, xem cuộc đời chẳng có gì…lo toan.
- Tui cũng mang mộng hải hồ hồi
trẻ…nhưng không được, nặng nề tiền bạc, vợ con níu áo…
- Giày dépcũng có…số mà, hì hục
cơm áo gạo tiền cũng đã phiêu lưu hết cõi đời rồi!
- Anh nói chiện…nghe đã thiệt!
nhưng tui muốn được tự tại, đi đây đó như anh…
Ở đây, tôi có quen cặp vợ chồng,
là bạn cơ quan cũ…nhưng tôi vẫn xem như em trai của mình. 20 mươi năm trước họ
đều là sinh viên mới ra trường, cũng đầy hoài bão, ước mơ (chắc rồi). Nhưng chỉ
mười năm sau đó…sóng gió cuộc đời, thay đổi cơ chế quản lý kinh tế liên
tục…phải bôn ba di chuyển từ Pleiku vào Biên Hoà định cư làm ăn, sinh sống…
Họ đều là dân gốc Nghệ Tĩnh…xuất
xứ của những người thông minh học giỏi. Nhưng chính vì quá thông minh, cái gì
cũng biết…khiến cho kẻ hèn kém nghi ngại, kẻ khôn vặt lợi dụng…vì tôi thấy rõ
bên ngoài chỉ là bức tường lạnh trá hình, còn bên trong trái tim của họ là lửa
nồng bao dung, thừa sức sưởi ấm cả tình bạn…
Cậu ta nói với tôi:
- Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh
viết thái quá về lối cư xử…văn hoá. Nhưng cũng thừa nhận ông ta nói có lý
“Người Nghệ Tĩnh cái gì cũng biết! nhưng không biết hạnh phúc”.
Tôi không nói gì, vì thật ra đó
là qui luật dễ hiểu công bằng của…sự đời. Cá tính tự tin ganh đua có lợi cho
công việc, học tập…nhưng có vẻ như lại là lực cản hoà đồng với đời thường trong
hạnh phúc gia đình, bạn bè, lối xóm…
Tôi hỏi con bé nhà đã học lớp 9:
- năm vừa rồi bé Hà điểm tổng
kết là bao nhiêu?
- Dạ…9.4
- Trời…học gì mà chính xác đến vậy?
lớp 9…nên học xuống còn 8.5 là giỏi rồi!
Mẹ của Hà:
- Em cũng nói nó đừng học nhiều,
nghỉ ngơi chơi bời cho người thoải mái, thảnh thơi…
Tôi quay sang hỏi:
- Em nghỉ việc công ty ra chợ
buôn bán…có quen việc chưa và thoải mái hơn không?
- Làm công ty giờ giấc gò bó,
thỉnh thoảng phải đi công tác xa, đôi khi bỏ bê con cái thấy tội…Bây giờ khi ra
bán ngoài chợ em mới thấy thật sự thoải mái và công bằng…có thuế má trung thực
rõ ràng, bạn buôn bán giúp đỡ lẫn nhau, sòng phẳng …tự do nghỉ ngơi.
- Ừ…phải, tiếc cái…văn bằng làm
gì? Làm Công ty cũng làm thuê cả, nghề nào hợp với cá tính, hoàn cảnh thì vẫn
bền và tốt hơn…kiến thức học sẽ hỗ trợ đắc lực nhất trong giao dịch.
Tôi cũng thấy yên tâm, vì biết
rõ năng lực của cô bạn này! phần còn lại chỉ mong là sự bình tâm vun vén, điều
chỉnh hạnh phúc gia đình. Tư tưởng mở rộng thường giúp cho con người thích ứng
với mọi hoàn cảnh…điều quan trọng là sự hiểu biết tâm lý để thông cảm mở đức
tính yêu thương con người…ngoài ra, tôi nghĩ đôi khi con người chấp nhận sự
thật như là định mệnh, thì mới có khả năng điều hoà cuộc sống.
Ở Biên Hoà tôi cũng tìm được
người bạn 35 năm rồi mới gặp lại. Nếu không nhờ tìm nhau bằng ĐTĐĐ thì cũng khó
mà nhận ra nhau…vì tóc anh? xưa giờ đã bạc trắng. Ngồi nói chuyện thời niên
thiếu , chuyện những người bạn cũ…người có danh, kẻ thành đạt và cũng có đứa
thì để dòng sống bê tha lôi vào ngõ cụt, người thì tản mác chưa tìm ra địa chỉ.
Những bạn gái thành công, hạnh phúc hay dang dỡ hôn nhân cũng trao đổi thông
tin với nhau…Anh chỉ vào bức hình đứa con gái:
- Mình đặt nó tên…Châu.
Tôi mĩm cười, khi anh nhắc đến
tên người con gái lối xóm ngày xưa mà anh mơ ước trước mặt vợ mình. Nhưng hình
như người vợ…đã từng nghe anh tâm sự.
Thấy vợ anh nhìn như dò hỏi, tôi
nói:
- Đó là cô gái rất đẹp…đẹp nhất
vùng.
Thật ra, tôi quen với anh trai
Châu và nhiều lần ngủ lại trên sân thượng nhà nàng. Chúng tôi trở thành bạn
cùng tuổi. Nàng biết là anh ta rất yêu nàng và nhiều người khác nữa cũng mơ về
nàng…tôi có dò hỏi ý tình yêu đó! nhưng có lẽ mới 16 tuổi nên nàng nhiều
lựa chọn, đắn đo hoặc chưa biết yêu đến thâm sâu. Và anh cũng thật là lạ: Yêu
chung thuỷ, yêu cho mọi người biết, nhưng vẫn chấp nhận sự thật, không ích kỷ,
không tham vọng. Có lẽ vậy mà anh vẫn bình yên, vẫn vui vẻ hạnh phúc với người
vợ hôm nay. Nhìn trong phòng khách nhiều hình ảnh chúa yê-su và đức mẹ Maria
tôi cũng đoán được anh bỏ đạo Phật theo đạo…vợ. Hẵn, anh là người quí trọng quá
khứ! nhưng vẫn sống đúng hiện thực.
Chúng tôi hẹn tháng 6 cùng về
Qui Nhơn hội ngộ…
Đây là lần đầu tiên tôi đi về
miền tây nam bộ. Vì vậy, tôi phải cẩn thận xem bản đồ vệ tinh, để xác định
hướng đi và thời gian đến kịp lúc. Đường từ Sài gòn đến Châu Đốc có 3 lối đi,
tôi chọn hướng Sa Đéc qua phà Vàm Cống và lối về là Cần Thơ quà phà Vĩnh
Long…Hướng rẽ đường nào cũng qua một chiếc cầu có độ cong kỳ vĩ nối hai
bờ bắc nam: Cầu Mỹ Thuận...
Tuyến đường dài T.P HCM đến thị
xã Châu đốc sát biên giới campuchia chỉ khoảng 250km…so với đi Phnôm pênh thì
khoảng cách gần như nhau. Đây là vùng bình nguyên sông nước, đồng lúa bạt ngàn,
kênh mương chạy dọc theo đường đồng mức đều như những ô bàn cờ rộng, dân cư
sống theo tuyến quốc lộ, tuyến bờ kênh mương. Các vùng trung tâm thành phố, thị
xã, thị trấn, huyện, xã…nằm trên vùng đất có núi đá thấp hoặc cao hơn một chút
so với bờ kênh…những chiếc cầu ở đây đều có độ cong để gia cố tăng sức bền
trọng lực và vượt lũ...
Châu đốc hiện giờ đã là thị xã
nhưng có ba khu vực riêng có khoảng cách trung bình từ 10-15 Km tập trung đông
dân cư: Núi sam (cũ), Tân Châu có hai vị trí nằm đầu nguồn sông Tiền và trung
tâm thị xã ở sông Hậu. Người ta có thể tìm hiểu bản sắc, tập tục người Kmer và
người Chăm ở vùng đất này vì vẫn còn đền thờ Hồi giáo và chùa chiền theo kiểu
kiến trúc Ấn độ…
Khí hậu ở đây thường nóng ấm
quanh năm, có lẽ biên độ thay đổi ngày đêm không lớn vì mặt bằng sông nước
nhiều. Đây là vùng đất phù sa pha sét…nên thực vật phù hợp với nhiều loại giống
cây trồng, nhưng chủ yếu là cây lương thực lúa gạo. Thực phẩm cá thịt chủ yếu
là cá nước ngọt và gia cầm, gia súc…
Tôi đến đây, mục đích chính là
tìm thăm người bạn thâm tình hơn 30 năm qua không hề biết tin tức…mà tôi xem
như người anh trai lớn tuổi trong cuộc đời của mình.
Không hẹn trước…theo bờ
kênh, con mương với những cái tên địa danh xa lạ nhưng thân thiện của người địa
phương. Tôi tìm đến nhà anh không khó, dẫu nằm chơi vơi trên một bờ mương còn
lạc lõng…Anh không ngạc nhiên, mà chỉ ngỡ ngàng nắm tay tôi như người em trai
năm xưa về đây hội ngộ, trầm ngâm để cảm nhận phút giây run động
tâm tư (chắc vậy).
Tôi sẽ ở lại nhà anh vài ngày,
chỉ là căn nhà sàn ghép ván gỗ thưa, giản đơn, một khu vườn nhỏ cây trái của
vùng sông nước đồng lúa mênh mông…để thưởng thức tình nghĩa tâm giao. Và rồi bên
hiên nhà mỗi đêm trôi qua ngắn ngủi, trăng thanh gió mát nhẹ ru, đong đưa ngồi
tâm tình với vợ chồng anh chị…chuyện xưa, chuyện nay, chuyện sâu thẳm nhân gian
truyền kỳ, hoặc mơ hồ phôi pha hay hiện thực bão tố…thì Tôi cũng đã cảm thấy
thoả mãn niềm khao khát gặp gỡ vỡ oà trong tâm khảm, một niềm hạnh phúc bình
yên, ranh giới không gian vô biên…nhưng giữa cõi đời có vài niềm tin yêu không
bao giờ ngăn cách…
Anh…người con trai xứ Huế..Lạc
lõng về mảnh đất Qui nhơn và để lại nhiều dấu ấn một thời niên thiếu cho bạn bè
thân quen…Lang thang đảo điên binh lửa ở rừng núi tây nguyên theo số phận trai
thời loạn cuộn trôi không gì gượng lại…Rồi phiêu lưu như loài rong biển trong
một định mệnh xã hội còn hoang mang, khi tuổi đời chưa hẳn đã hết tuổi vụng
dại, ước mơ...
Mỗi người như có một phần số
rủi may, Anh đã gặp tình yêu và dừng lại nơi đây…nơi mà Anh cho rằng “không có
xứ sở nào mang nặng tình người và thân thiện hơn”…dẫu đầy gian nan sinh tồn,
nhưng sẽ là bình yên và có hy vọng đầm ấm gia đình mai sau…
Tôi có ba người anh trai quen
biết, trôi dạt thân phận giữa dòng đời lịch sử. Có lẽ, họ không trông mong gì?
Chỉ mong được bình yên…để cuộc đời họ chấp nhận gian nan, vất vả lao động triền
miên kiếm sống cho mình, cho gia đình con cái. Họ đã cho tôi suy nghiệm ra,
nhận thấy cuộc đời người vốn chưa bao giờ thật sự bình đẵng, có những định mệnh
vô tình bi ai, mỏng manh bám víu…chỉ kiên nhẫn lấy sức lực ra trôi nổi,
bương chải cho mỗi ngày hồi sinh một chút hạnh phúc đơn sơ…
Nhưng mà, nếu có niềm tin yêu
người, thì đời sẽ trã lại. Dẫu có thể, chỉ là nhỏ nhoi thôi…một tí không gian
êm đềm của hạnh phúc tâm tư.
Nhiều người nói với tôi, bạn bè
khi có điều kiện thì cũng chỉ hỏi thăm cho có tình nghĩa, phận đời ai nấy lo.
Riêng tôi…”Triệu người quen có mấy người thân?” trăm người hiểu mình cũng…có
bao nhiêu bạn tâm giao? Cái tình bạn bè kiểu giáo huấn không có ở nơi tôi,
mà chỉ cần có cái nghĩa chân tình gặp gỡ nhau trong đời…là lòng tôi đã cảm ơn
họ. Tôi biết ơn những trang sách số phận cuộc đời đó! đã cho tôi hiểu nơi đâu
là cội nguồn hạnh phúc, chỗ nào phải dừng chân để khỏi lạc bến mê…nơi đâu là
tài năng thật và nơi nào là sự ngộ nhận thông minh.
Trên đường về người vợ của anh
đã gọi điện tặng cho tôi bốn câu thơ:
Thăm nhau cho trọn nghĩa tình
Đường xa dặm rỗi một mình mà thôi
Lòng chừng dạ cũng bồi hồi
Chúc cầu chú đặng về nơi yên lành.
Những câu thơ của người phụ nữ
miền quê sông nước, mang hơi thở mênh mông đồng lúa phương nam đầy tình cảm
chân thành làm tôi xúc động, yêu đời tình nghĩa…lòng tôi hân hoan vững tâm lao
vút trên đường dài mang về thêm một kỷ niệm dấu ái…
Tôi viết điều này không phải để
cho “gió cuốn đi”…mà là tìm ra chốn nao “một cõi đi về”làm bóng mát bình yên
đời mình.
" Sở dĩ tôi viết ra điều
này…mục đích là để cố gắng nói lên vài suy luận có hệ thống mà khó nói bằng lời
trực tiếp…sẽ dễ hiểu với những bạn bè muốn nghe cảm nhận của tôi về phong cách
người miền tây nam bộ…và cũng để cho các bạn Blog hình dung, tự cảm nhận riêng
hoặc biết chút ít suy nghĩ của mình…Nhận xét về một con người đã là khó và…không nên (?). Huống chi là suy diễn tập tính văn hoá của một vùng nào đó! Nên các bạn xem đây chỉ là tính cách từ…phương pháp luận về một giả thuyết:
Mỗi vùng đất có những phong thổ, khí hậu (biên độ) khác nhau…tất nhiên, từ đó tập quán sinh hoạt, sản xuất thích ứng theo điều kiện môi trường…động thực vật cũng tuỳ theo sự tương tác, sinh thái, năng xuất khác nhau. Tập quán thường tạo ra tập tính con người, nên tính cách bên ngoài sẽ tỏ rõ nết văn hoá riêng về cách ăn nói và cư xử giao tiếp…Ngoài ra, tôi còn nhận ra những vùng, miền thích hợp với quan niệm đạo đức hé lộ trong những niềm tin tín ngưỡng tôn giáo đặc thù…nó cũng cho chúng ta biết về quan niệm sống, tạo nên nhân cách riêng con người hay mối quan hệ trong cộng đồng xã hội đó…
Với tôi, miền tây nam bộ Việt nam chúng ta có chỉ hai điều đặc biệt: Thứ nhất, là vùng địa hình bình nguyên sông nước, ruộng vườn…để nói về phương cách sinh sống nghề nghiệp. Thứ hai, là tôn giáo của họ nói lên nhân sinh quan…mối quan hệ cộng đồng xã hội trong tâm hồn, văn hoá đối xử người với người để hình thành nhân nghĩa, sinh tồn…
Nơi đây có khác biệt là họ đã sinh ra (tự tạo)hai tôn giáo mới cho riêng mình: Cao đài và Hoà Hảo. Mặc dù cũng lấy kinh Phật làm đạo giải thoát, nhưng lại lấy nhân tính, đạo đức gia đình, cộng đồng xã hội mở rộng làm mục đích chính để tu dưỡng…có nghĩa vừa đạo vừa đời, vừa cao siêu vừa hiện thực. Không như Hoà Hảo tự thờ riêng mỗi gia đình, không xây dựng nơi thờ phượng cộng đồng…Đạo Cao đài cũng đã xây dựng những thánh thất như chùa chiền từ miền đông nam bộ cho đến tận miền trung, nhiều người Bình Định cũng theo đạo nầy…
Theo suy luận của cá nhân tôi…thì đạo Phật ở Trung quốc thường kết hợp với đạo Khổng. Các nước Lào, campuchia, Thái lan, Miến Điện…phái Tiểu thừa. Còn ở miền bắc ta, đạo Phật nặng về phái Thiền, miền trung thiên về Đại thừa kết hợp tư tưởng Nho giáo (tân khổng giáo)…còn ở miền nam đạo Phật…có lẽ, nghiêng về tư tưởng Lão giáo.
Sở dĩ tôi nói lên suy nghĩ này…vì trong quá trình đi đây đó, muốn giao lưu với mọi người thì “nhập gia phải tuỳ tục”, nên ít nhất cũng biết chút ít niềm tin của người địa phương để dễ có hướng trao đổi câu chuyện, hoà đồng, thân thiện. Chẳng hạn, ở dân tộc thiểu số tây nguyên phần lớn tập quán sinh hoạt cộng đồng buôn làng của họ phù hợp với đạo Tin lành, miền trung thì có mặt với hầu hết mọi tôn giáo, miền bắc cũng vậy…nhưng tôi có cảm giác là người ta theo lễ giáo, thần quyền nhiều hơn.
Cũng chính vì hiểu tư tưởng, quan niệm sống của họ…nên dễ cảm thông được tâm tư, tính tình của người bản địa. Lẽ đương nhiên, thế giới văn minh với các phương tiện khoa học sẽ điều hoà mọi ranh giới. Ngoài ra, luật pháp và phương thức quản lý xã hội cũng tạo nên thói quen hành chính…nhưng bản sắc văn hoá vùng miền là điều không dễ gì thay đổi.
Người dân miền tây nam bộ, thường được cảm tình với mọi người nhiều nhất vì tính chất…mộc mạc, chân thật (lời khen). Tất nhiên, là nhờ vào giọng nói dễ thương, nhẹ nhàng ngữ điệu nhân gian …không kiểu cách "văn học", triết lý dạy đời.
Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi họ thích được thưởng thức ý nghĩa của ca kịch cải lương (tính giáo dục cảm hoá) hoặc ngâm thơ lục bát trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn đình Chiểu hơn là Truyện kiều của Nguyễn Du. Điều này nói lên tư tưởng giao lưu chứ không phải đẳng cấp văn hoá, văn học gì cả…
Chỉ một vài…Triết lý nhân sinh của họ cũng cho ta thấy tâm ý thường mang theo những lời khuyến cáo về định luật nhân quả hiện tiền hay điều phải nhận lấy ở đời như: “Tình- tiền- tù- tội” để nói về lòng tham, “Tu là cội phúc tình là giây oan” nói về định mệnh, “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu” để nói về chân lý hiện sinh…Từ đó cũng cho ta biết nhận thức và quan điểm sống…
Nhiều người nói đến môi trường sống thuận lợi hay khó khăn sẽ tạo ra cá tính khắc nghiệt hay dễ dãi…Riêng tôi, đó là cách giải thích qúa đơn giản về vật chất mà chưa nghỉ tới nhu cầu “văn hiến”lịch sử cần thiết cho một cộng đồng mới, phải tồn tại ở môi trường mới! Từ đó, cũng tạo nền văn hoá phù hợp thực tiễn với tâm tình mới (thuần phong mỹ tục).
Thật ra, tôi không nghỉ đó là nền văn hoá mới…mà chỉ là sự hoà thuận đồng cảm giữa cộng đồng nhiều bản sắc dân tộc khác nhau của người Việt Nam đã hình thành mang màu sắc lối văn hoá thân thiện…
Vì vậy khi trao đổi câu chuyện với dân miền tây nói riêng, nam bộ nói chung…Dù văn chương hay lý luận…chúng ta nên ăn nói chân thật, tế nhị, ngôn ngữ thực tế, đừng quá kiểu cách xa vời không phù hợp với phong cách, tư tưởng hiện thực của họ. Không phải không hiểu? mà bởi họ không thích nghe những ngôn ngữ khách sáo, lý thuyết cầu kỳ…
Theo tôi, tập tính con người của 3 miền của đất nước Việt nam ...là một đề tài văn hoá, tư tưởng, nhân sinh muôn thuở…"
Ngồi uống cà phê quán bên đường, giữa
lòng phố Sài gòn…nhìn dòng người xe cộ vội vã, chen lấn ngược xuôi như sợ thời
gian trôi nhanh…có lẽ vậy, nên đường phố có chật chội hơn, không gian luôn chứa
đựng sự bận rộn tất bật hỗn mang cõi người…
Cõi người thì nhiều chuyện nói
hơn cả cõi trên và cõi dưới (hổng biết có không). Cõi trên thì bay đi chơi
trong mây hoài…lãng mạn quá cũng chán! Cõi dưới chắc hiện thực tối hù khó nhìn
rõ mặt…xấu. Còn cõi người thì nhiều hình hài và ngôn ngữ lắm…
Chuyện hình hài là chuyện của
những người khoái ngắm nghía…số đo. Còn ngôn ngữ dùng để nói thật, nói giả, nói
chuyện thị phi. Chuyện thật sợ mất lòng, chuyện giả sợ người ta ghét! Chỉ có
chuyện thị phi là chuyện mua bán không tốn tiền nên dễ nói hơn…
Một người trẻ tuổi hỏi tôi:
- Chú biết Sài Gòn lâu chưa?
- Cách đây hơn 35 năm…và trở về
hôm nay, là lần thứ tư…
- Chú thấy thay đổi nhiều
không…khác nhau ra sao?
Tôi mĩm cười:
- Thời gian thay đổi, xã hội
thay đổi, con người cũng phải thay đổi theo…
- Thay đổi theo hướng phát triển
phải không chú?
- Ừ…phát triển về công nghệ
thông tin, công nghiệp hoá vật chất xây dựng và hàng tiêu dùng mới…
- Người hôm nay đông hơn
nhiều…phải hông chú?
- Phải…gấp vài chục lần.
- Phương tiện giao thông hiện đại
hơn chư chú!
- Tiện dụng hơn, tinh vi hơn,
đẹp hơn…nhưng không có nghĩa hiện đại, văn minh hơn, kinh tế hơn…khi mô-tô
nhiều hơn ô-tô, đường xá phải tuỳ cơ ứng biến.
Cậu sinh viên này có vẻ là người
nhiều suy tính:
- Theo chú thì trong tương lai?
nghề nào quan trọng nhất!
- Con muốn hỏi về cá nhân hay xã
hội…? Nghành hay nghề…
- Con muốn hỏi về phương diện
kinh tế…
Tôi cười cho qua chuyện:
- Người…xưa nói: “ Vi thương bất
phú” các nghành dịch vụ, thương mại…
- Những ngành nào thuộc về
thương mại?... chú!
- cái gì cũng thuộc về thương
mãi cả…kể cả đồng tiền, mồ hôi, trí thức…
- Vậy …nghề nào quan trọng hơn?
Tôi hài hước:
- Nghề…nói!
Cậu ta cười cắc cớ:
- Trời…làm nghề gì? mà kỳ lạ …
- Làm “chính trị” hoặc “tu sĩ”…
hai “nghề” này bao giờ cũng rất quan trọng với xã hôị. Và…cấm người khác phê
phán(?).
Cậu ta cũng tinh quái:
- Vậy…đi xin ăn, có phải là nghề
không?
- Cái gì đem lại…tiền, lương
thực có thể gọi là “nghề” cả. Nghề “ăn mày”, Cái bang cũng là môn phái…hành
nghề! đó chưa nói đến...khất sĩ.
- Vậy lừa đảo có phải là nghề
không?
- Chà…phải có kỹ năng, nghệ
thuật hoặc quyền…mới lừa được à! Chẳng hạn làm nghề ảo thuật… Ảo thuật thì có
bán vé, còn lừa đảo thì im lìm hoặc rêu rao…không cần bán vé cũng được (ặc).
Cậu ta xịu mặt:
- Chú nói đùa hông…hà.
- Đùa cũng phải có tay… “nghề” à
nghen!
- Sao…?
Tôi bông lơn::
- Cũng có “nghề”… từ thiện, bố
thí. Muốn làm từ thiện cũng phải hành chính…sự nghiệp, có hệ thống quản lý trả
lương. Còn nếu bố thí thôi, thì cũng muốn trả …phước lộc, lòng bình an…(hi hi).
- Trời ơi…chú nói, làm lỗ tai
con lùng bùng. Muốn nghe lời khuyên mà hổng được gì?
- Trời đất! nãy giờ vẫn chú chân
tình…nói lên ý của chú đấy chứ!
Tôi nói gọn gàng để anh bạn trẻ
nghe rõ ràng hơn:
- Người ta cần cái nghề để tự
mình kiếm sống! Có kiến thức để thưởng thức! có tài năng để vui chơi với người,
tự vệ với đời… nghề nghiệp thì khi có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”thì thành
đạt, nếu không…chỉ cần chuyên tâm thì cũng sống tốt qua ngày... Điều quan trọng
là phải hiểu được năng lực, ý thích, hạnh phúc của mình…
- Làm gì để biết điều gì đúng,
điều gì sai?
- Đúng, sai thường mới chỉ là
lời giáo huấn, kiến thức chung. Chân lý cơ bản đạo đức nhân sinh theo chú:
Không hại mình, hại người là lẽ phải rồi! Giúp mình, giúp người thì quá tốt!
- Làm sao để nhận ra sự thật!
- Sự thật chỗ này chưa hẵn nằm ở
chỗ khác! Con không cần phải tốn thời gian tìm hiểu phân biệt sự giả, dối…chỉ
cần có tư tưởng hài hước tâm lý con người, cuộc sống! là dễ dàng nhận ra qui
luật, nguyên nhân của sự việc…thui!
- Con thấy người ta hay nói cuộc
đời là đau khổ, nước mắt nhiều hơn niềm vui…mà! Sao chú nói là…hài hước?
- Vì thật ra, cái “ông tạo hoá”
cũng đã có tính hài hước…rùi! nên mới tạo ra người đẹp người xấu, người giàu
người nghèo, người cao…to hay thấp cổ bé miệng. Đã là sinh ra con người mà vẫn
mang tuổi số tử vi…súc vật đó sao?(he he).
- Chú tin vào thuyết luân hồi
không?
- À… “có còn hơn không” Đó là
học thuyết…công bằng nhứt…!
Thật ra, điều gì cũng có mọi lý
lẽ…Nghề gì cũng có ước mơ và toan tính.Sự cạnh tranh trong cuộc sống xã hội con
người là qui luật, nhu cầu đương nhiên của sự tồn tại đẳng cấp. Có người ngay
thẳng, có người gian dối. Có xã hội bình đẳng mọi nghành nghề, có xã hội
còn độc quyền phân biệt đối xử…
Nếu có một nơi nào, ở cõi nào
đó…có lời phán xét cuối cùng vĩnh hằng…Thì cõi người là nơi chưa hẵn chỉ thử
thách lòng tốt, mà còn dùng để thử thách lòng can đảm…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét