Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Trí thức...



   Trí thức…
(Câu chuyện đầu năm)
  Đầu năm, ai nói chi đến chuyện cao siêu cho mệt óc, phiền não? Vì vậy, hãy tạm nghĩ câu chuyện dưới đây, chỉ là chuyện vu vơ, tình cờ…
      Hơ hơ…hôm nay, ghé ngồi miễn cưỡng nhâm nhi ly cà phê quán “gió lạ”, bên cạnh “bia lực sĩ”, kế cận là karaoke “gào thét”. Vậy mà mấy ông bạn lâu rồi chưa gặp, lại nói chuyện…trí thức:
- Hê…làm sao để xác định thế nào là người trí thức?
- Ủa…Hổng thấy tranh cổ động ha? Ai đeo kính là trí thức!
- Ví dụ…
- Ngô Bảo Châu…chẳng hạn.
- May thiệt, vậy là con tui cũng là trí thức từ…8 tuổi rùi!
   Đến đây, chợt nhìn nhau thấy “cha” nào cũng đều đang đeo kính…Nên mới “ngộ” ra cả bọn đều bị liệt vào giới trí thức(?).
   - Chà…mấy ông cũng là dân trí thức rồi…
   - Thôi mà…tại tớ bị cận di truyền
   - Tôi thì mới đeo kính viễn từ năm 45 tuổi…
   - Còn Tui đeo kính…râm. (he he).
   Thấy hai vị “sĩ phu Bắc hà và đất Quảng” khiêm tốn (vì dẫu sao họ cũng là cử nhân toán kinh tế, thạc sĩ văn chương) nên Tui nỗi hứng mừng xuân hội ngộ…lò dò phân tích khái niệm:
   - Bi chừ! Ai từ đại học trở lên đều có thể gọi là người có học vấn, trí thức rồi…
   - Còn ngày xưa?
   - Phương Đông…ngàn năm trước thường xem họ là bậc thánh hiền như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử…mấy bậc hiền tài, sĩ phu, kẻ sĩ…
   Mấy ông bạn Tui gật gù: Chí lý…
   - Nhưng định nghĩa trí thức thì không đơn giản thế đâu…
   Tất cả, bạn của tui khẳng định một câu chắc nịch:
   - Thì đó…là người lao động bằng trí óc!
   Híc…tưởng như đúng quá xá! Nhưng dùng cái từ “lao động” nghe hơi nổi da gà:
   - Đó là nói về lĩnh vực chuyên môn thôi…
   - Ví dụ…
   - Ngô Bảo Châu…
   - Ủa…sao “ông”cứ nhắc đến “ổng” hoài…?
   - Khà khà, vì là người nổi tiếng nhận giải thưởng…
   - Thí dụ người khác đi…
   - Tô Hoài, Xuân Diệu, Trịnh Công Sơn…
   - Ủa…mấy người đó đâu có bằng cấp gì đâu?
   - Phải …nhưng, nghe nói các luận án tiến sĩ văn chương được phong hàm giáo sư, tiến sĩ đều nhờ vào tác phẩm của mấy ông đó cả…
   Mấy ông bạn của tui ngồi im lặng như… thiền, mà khi “thiền” mà tâm bị động (chắc do quán karaoke kế cận) đành cựa quậy hỏi dò xét:
   - Vậy ông định nghĩa Trí thức là như thế nào?
  Hê hê, tui đâu có biết hoặc có quyền gì phân tích?…bởi cái ý, nghĩa ấy đã tự quy ước từ ngày đẻ ra ngôn ngữ. À! Mà dễ ẹc hà…lục lọi trên internet thì một mớ định nghĩa…và sẽ hào phóng thu nhận nghĩa nào cũng có lý, chí tình cả…Chỉ có cái ấn định độc quyền quan điểm về tư duy cá nhân, xã hội mới sinh ra gây tranh cãi chữ nghĩa, “phản biện” cãi lộn…
    Tui bỗng vừa hài hước nghịch ngợm, vừa thật lòng:
   - Hơ hơ, khái niệm trí thức cho người có học vấn thì ai cũng hiểu, vì thường nó đã tự mặc định theo giá trị pháp chế, hiện thực văn hoá xã hội mà không cần phải giải thích. Nhưng khi xác định ai là kẻ trí thức theo ý của ngôn từ thì phải chia cái từ ghép nghĩa đó ra xem thử có xứng đáng…Trí và Thức.
   - Nghĩa là…
   - Thức chứ không phải ngủ…(hi hi)
   Mặc cho câu chuyện còn đang ngơ ngác, chẳng hồi kết...Tui vội vàng bắt tay giả từ:
   - Hây-dza…Chúc năm mới sức khoẻ, thông minh (khéo “ngộ độc sách”) Hơ hơ.
     Hic! Ra về lòng có chút trống vắng…vì nghĩ đến câu:
    Người trí thức? Tôi muốn nói đến những người suy tư, mà không sính chữ nghĩa, không lợi dụng, bịp bợm và ăn bám…” (Henri Barbusse).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét