Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Yêu...


   Yêu…
(Phiêu diêu…)

   Hơ hơ…cứ đến tháng 6 là có thể tha hồ nói chuyện “huyên thuyên” về tình yêu...
   Vì...Nắng mưa là bệnh của trời –Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…”(Nguyễn Bính). Và tháng 6 là trúng phoóc giao mùa mưa nắng mênh…mông.(nghe quen quen). Bởi, tháng sáu là chu kỳ lơ lững của thời gian, là ngày chợt đến vội đi, nắng mưa hờn giận hợp tan...không gian phôi pha dập dìu hội ngộ lẫn chia ly...
   Nghĩa là, tình yêu luôn mang nhiều sắc thái...không phải chỉ dành riêng cho mùa Thu gió heo may mơ màng, mùa Đông giá lạnh cô đơn, mùa Xuân rạo rực ước mơ hay Hạ về chói chang...lộ liễu (hì hì).           
   YÊU là ngôn từ vốn đã qui ước-định nghĩa rõ ràng đấy chứ!...Nhưng cắt nghĩa hay giải nghĩa YÊU hình như...nó phụ thuộc vào khung cảnh thời tiết đã ảnh hưởng cảm xúc hoà nhịp với lòng người hoài cảm:
   Với Xuân Diệu:
   Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
   Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
   Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
   Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...
   Với Hàn Mạc Tử:
   Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
   Để nghe dưới đáy nước hồ reo
   Để nghe tơ liễu run trong gió
   Và để xem trời giải nghĩa yêu...
   Hai đoạn thơ trên khiến người ta ...miễn bàn (hic) vì yêu là sự xúc cảm, thuộc về bí ẩn riêng tư của mỗi người.
   Còn Nguyên Sa thì thổ lộ...không dấu diếm ước ao:
   Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
   Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
   Anh lạy trời mưa phong toả đường về
   Và đêm ơi xin cứ dài vô tận...
   Có “âm mưu”phong toả đường về (của nàng) cũng phải nhờ ...trời giúp (he he).. Vì vậy, người ta thường nói đến cơ hôị, tình duyên khiến xui cho “đôi ta” gặp gỡ...
   Nói chuyện Tình yêu...? thì có lúc ngân nga bằng thi ca văn học, cũng nhiều khi nhâm nhi trần tục thói đời. Bởi vì, đây là...cõi tình (chậc...)nó hổng cao siêu, chẳng địa vị lý lịch phận người, chỉ bằng cảm xúc giác quan, không lý luận để...cãi nhau. Có lẽ vậy, mà lĩnh vực“con đường tình ta đi” không lộ diện thiên tài nào “thòm thèm” bàn luận, sáng tác học thuyết, triết lý cầu kỳ về tình yêu...(hà hà).!?
   Bởi, tình yêu vốn là hiện thực! Dù lý giải cách nào, quan niệm kiểu gì...thì yêu đương chắc chắn không phải là trò chơi “đố vui để học”, phô trương vật chất phù phiếm...
   Sự thật...nói đến tình yêu chân phương thì chỉ có thơ ca, âm nhạc. Vì sao ư? Vì ở nơi đây không hề giải phẩu học chuyên yêu đương, không gắn nhãn-mác(labels) tâm sinh lý vật chất con người...Mà trong những bài thơ sầu muộn, tình khúc buồn dza dziết ấy! Đâu đó...ẩn chứa trong những lời than thở chia ly, vẫn có nổi niềm hạnh ngộ, hạnh phúc miên man...(thế mới lạ)
   Hãy nghe người ta trần tình về cách yêu nhau vẫn có nhiều lối rẽ...mà lối này, ngõ nọ...vẫn vĩnh hằng, yêu dài lâu, tận mãi đến ngàn năm, miên viễn...
   Hồ Dzếnh là người chỉ thích lang thang chốn tình trường không muốn kết thúc:
          “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề...Đời chỉ đẹp những khi còn dang dỡ....” (Ngập ngừng)
   Trần Thiện Thanh (Mùa đông của anh) mãi yêu cho dù:
    “Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp
     Anh yêu em một ngày rồi xa em trọn kiếp...”
   Vẫn biết rằng:
    Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái
    Anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy...”
   Và vẫn hiểu:
“Những cuộc tình dương gian, muôn đời không nghĩa lý,
   Nhưng người vẫn tìm nhau trong vòng tay tình ý.
   Để rồi vẫn nghĩ:
   ...có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian?”
   Lam Phương thì đành chấp nhận chia ly (xót xa) để còn nhớ nhung...để giữ được Nghìn sau tình không xoá nhoà...
   “Biết tình không lối thà tìm thương đau...
   Xa nhau để tránh âm thầm ngỡ ngàng về sau.”
   Như vậy...Yêu Người không có nghĩa là sở hữu, chiếm đoạt, oán trách...(khó qua hé...).
   Tuy vậy, những quan điểm hoặc quan niệm về tình yêu là vô cùng. Nó phụ thuộc vào tâm tính, hoàn cảnh. Gắn bó hay chia xa do...thời gian xói mòn, ấn tượng kỷ niệm, nhân sinh hiện thực nữa.(có lẽ vậy). Đó là chưa nói đến tình yêu cũng theo quy luật của giai đoạn: Ngây thơ đến trưởng thành trong đời người. Đã vậy,“Yêu”còn có nhu cầu, sở thích: Lãng mạn tình tứ hay thực tế bản năng, dịu dàng hay phũ phàng...(Trời...lo quá)
   Trịnh Công sơn với “Tình sầu”như một quan điểm về tình yêu:
    “Tình yêu như trái phá con tim mù loà...
    ...Tình xa như trời...Tình gần như khói mây...”
   Tình khúc của Trịnh Công sơn thì thấp thoáng nhiều lắm “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”(Tình xa) làm cho ta có ý nghĩ kẻ đa tình nhiều đối tượng, hình dáng...Nhưng cũng hé lộ cái gì đó thuộc về yêu đơn phương, tình nghệ sĩ...
   Có lẽ, dùng ngôn ngữ để diễn tả đặc tính nỗi nhớ và ru tình cho những mối tình đi qua và đã mất của N/s họ Trịnh(Tình nhớ) là miên man, ngỡ ngàng đến...tuyệt vời:
   “Tình ngỡ đã quên đi...như lòng cố lạnh lùng.
     Người ngỡ đã xa xăm...bỗng về quá thênh thang”
  Cảm nhận người tình trở về rất...bao la, thần thoại:
   “Ôi áo xưa lồng lộng... đã xô dạt trời chiều”
   Và nổi nhớ tình mơ cũng có khi làm ngày hạnh phúc, đêm vơi bớt cô đơn:
   “ Như từng cơn nước rộng...xoá một ngày đìu hiu.”
   Lời Trịnh Công Sơn ẩn chứa ngôn ngữ nghệ thuật yêu rất xa xôi...như lối đời trình tự: Để xa, để nhớ và để quên...(tình xót xa vừa):
   “Xin đứng yên trong chiều
    Phơi tình cho nắng khô mau
    ...............................................
    treo tình trên chiếc đinh không”
    Vì vậy, ai có còn vương vấn...ướt át tình cũ, Nhớ(nhé)...đem tình ra hong khô.(hay thiệt...)
    Ngay cả Xuân Diệu khi yêu cũng xác nhận rồi:
      “Yêu là chết trong lòng một ít
      Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
     Cho rất nhiều song nhận được bao nhiêu
     Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.”
   Yêu “liều”như Xuân Diệu... đau khổ quá! Hic...(Ủa...Ai lại lừa tình, qua cầu rút ván...?)
   Nghi ngờ, lo lắng, ích kỷ là lẽ thường tình vậy thôi...nhưng người ta...dại gì hổng yêu: Thà đau khổ còn hơn bị...lỗ (Ặc). Vả lại Hàn Mặc Tử cũng từng nói: “Người đi một nữa hồn tôi mất...một nữa hồn tôi bỗng dại khờ...” Bị bỏ “bùa yêu”rùi...thoát lưới tình sao đặng (he he).
    Những bài tình ca buồn luôn làm cho người ta xúc động, tâm hồn thiết tha dịu dàng hơn. Tương tư nàng, nhung nhớ chàng...sẽ khiến cho ai đó mơ ước, người kia cảm thông...(chắc rồi)
    Nếu như tình khúc của Trịnh Công Sơn có chút miên man, sương khói hư không, cõi tình vô hạn định...Thì tình khúc cõi yêu của Ngô Thuỵ Miên pha mọi sắc màu âm nhạc lãng mạn, mang theo cái buồn xa xăm, rung cảm chân thành...sang trọng và lịch lãm.
    “Em như một nụ hồng, cầu mong chẳng lạnh lùng.
      Em như một ngày mộng, mà ta hằng ngại ngùng...
      Em như giọt rượu nồng, dìu ta vào cuộc mộng
      Em như vạt lụa đào, quyện ta lời thì thào
      Sẽ qua đi ngày tháng, tình rồi cũng xa xưa... Buồn...”.  (Em như một nụ hồng)
  Từ Công Phụng và Trịnh Công Sơn cùng nhau nổi tiếng một thời...Và cũng thường có những lối nhả chữ...sử dụng ngữ điệu cho ý tưởng, hoặc “phù thuỷ” cách hoá ngôn từ...Nhưng, rất khác biệt nhau trên mọi lối, giống như giữa con tim và lý trí. Vì...Từ Công Phụng đã cố cưu mang, chất chứa niềm đau nuối tiếc, rất mượt mà...hiện thực cõi tình. Chắc hẵn, cho ta thêm vương vấn tâm tư, hành trang suy nghĩ về cuộc đời...
   “Kể từ em đem cô đơn mọc lên phố vắng
   Khi em mang nụ cười khỏi đời...
   Từng chiều rơi nghe như cõi lòng mình tê tái
   Ngỡ như đời còn gọi tên nhau...” (tuổi xa người)
   Với Vũ Thành An...thì người ta luôn nghĩ về 10 tình khúc “không tên”. Những day dứt dấu ái tận cùng thương đau, qui luật tình đời, tình người vô vọng...Riêng biệt, là những suy tư thao thức về thân phận đời người con gái... để lắng nghe triền miên, lẫn khuất nổi buồn xót thương trả vay trong bóng tối tình trường...
   “ Thôi em đừng xót thương...rồi ngày tháng phai đi
     Thôi cuộc tình đó đã tan rồi, không còn gì nữa, tiếc mà chi...
     Đời một người con gái...
     Ước mơ đã nhiều...Trời cho không được mấy...
     Đến khi lấy chồng...chỉ còn mối tình mang theo...”
   Thật buồn và lo lắng...khi của “hồi môn” chỉ còn mối tình mang theo(cho hết rồi). Người ta không trách vì Yêu...nhưng sợ cuộc đời quá sòng phẳng...
   Nói đến tình ca...thì đầu tiên phải nghĩ tới những tình khúc của Lê Uyên Phương. Vì ca từ không kiểu cách nhưng sâu sắc, buông lơi cho trái tim với nhịp đập yêu đương nồng nàn , bàng hoàng đến hồn nhiên...lồng trong nền nhạc đầy chất tuổi trẻ du ca qua cõi tình không xét nét, lựa chọn...Nghe rất xót xa vì dào dạt đong đầy đam mê, khắc khoải, ê chề yêu đương vơi cạn...
   “ Thương anh khi yêu lần đầu Thương anh lo âu tình sau Dù gương xưa không được lau Soi lấy bóng mối duyên sầu...
    Cho tôi yêu em nồng nàn Cho tôi yêu em nồng nàn
    Dù biết yêu tình yêu muộn màng.” (tình khúc cho em)
   Và vắt kiệt cho hết đam mê (Vũng lầy của chúng ta)
   “Cho nhau hết những mê say. Cho nhau hết cả chua cay. Cho nhau chất hết thơ ngây.
   Trên cánh môi say. Trên những đôi tay. Trên ngón chân bước về tình buồn...”
   Và còn rất nhiều bài tình ca buồn cho thế sự tương tự như Trần Thiện Thanh, Lam Phương...nói về cuộc tình đổi thay, chia xa với muôn vàn lý do: Hoàn cảnh lịch sử, nhân tình thế thái, trò đùa số mệnh...
   Thât ra...Những tình khúc buồn ra đời là trong đó có lấp lánh nỗi nhớ hạnh phúc...(thiệt đó). Vì...“đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn”(Trúc Phương) Nếu sợ buồn thì sao kiếm tí vui...(đừng ham hố nha). Miễn là biết tha thứ “Dù đời chỉ yêu gian dối dù đời cay đắng như vôi”(Lê Hựu Hà).
   Tại sao, người ta hay ca ngợi tình yêu nhỉ? Chắc là...vì yêu và được yêu là hiện tượng duy nhất bình đẳng của con người: Chữ tình cho đi và nhận lại...không phân biệt địa vị phận người, không lý lẽ thiệt hơn, nợ cho vay không trả. Bởi thế...người ta nói “tình cho không biếu không. ” ha...Nói chi đến đong đếm nhiều ít, so đo hơn thua...
   Nhưng mà...không phải ai cũng nghĩ tình yêu là thực tế, là nhu cầu tất yếu...khi mà hoàn cảnh nhân sinh hữu hạn đầy những lo toan, thay đổi... Đó là chưa nói đến những quan điểm: Thoát tục, chí lớn...
   Nhưng rồi...dẫu nhân sinh quan thế nào đi nữa...thì ai cũng không thể phủ nhận Tình yêu là vốn liếng đầu tiên cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc gia đình, là lẽ phải tình người không khiếm khuyết...
   Khi không thể lý giải một sự việc hoặc một cuộc hội ngộ nào đó trong đời? Người ta hay nói đến định mệnh...
    Định mệnh của Hàn Mặc Tử với mối tình Mộng Cầm, định mệnh tương giao giữa Khánh Ly &Trịnh Công Sơn và Lê Uyên & Phương cũng là một định mệnh...
   
  Lê Uyên và phương là một mối tình âm nhạc định mệnh YÊU rất tinh khôi bất chấp số phận...Một cuộc tình qúa nhiều thử thách cuộc đời...(Có nhiều thông tin trên Web)
   Tôi giới thiệu với các bạn? Không phải vì ngạc nhiên về giọng ca ở xứ sở mộng mơ trầm mặc...khởi nguồn từ Đà Lạt sương mù giống nhau của Khánh Ly & Lê Uyên...hay âm thanh khàn đục xanh xao buồn của N/s Lê Uyên Phương tài hoa sớm chiều lận đận...
   Mà chỉ để nghe những ca khúc nổi tiếng được giới trẻ, sinh viên đón nhận một cách nồng nhiệt...một thoáng giọt mật yêu đương rớt xuống đời...hoá thành mật đắng tình người thương vay...
(Video clip này thực hiện khi Phương đã qua đời năm 1999) 
  

2 nhận xét:

  1. "Nghi ngờ, lo lắng, ích kỷ là lẽ thường tình vậy thôi...nhưng người ta...dại gì hổng yêu: Thà đau khổ còn hơn bị...lỗ (Ặc). Vả lại Hàn Mặc Tử cũng từng nói: “Người đi một nữa hồn tôi mất...một nữa hồn tôi bỗng dại khờ...” Bị bỏ “bùa yêu”rùi...thoát lưới tình sao đặng (he he)."

    Bùa yêu rớt chén rượu trần
    Nguyệt vàng lơi lả xô tràn men cay
    Mắt môi chao đảo hồn say
    Lụa là vân vũ ngập vây men tình
    Lòng anh chìm mộng phiêu linh
    Đường vòng mộng ảo tương quỳnh xôn xao
    Chén cay ướp mật ngọt ngào...

    ...Biết là em bỏ bùa vào đời anh
    Thôi thì chút mộng tưởng xanh…
    ...không biết đây có phải là...bùa iu...? (cười mần quen)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người đi một nữa hồn tôi mất
      Một nữa hồn kia..."sửa lại xài" (cười...xin lỗi HMT)

      Xóa