Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Âm nhạc và những quan điểm...



Âm nhạc và những quan điểm…
 (Nhân “hiện tượng” Idol…thần tượng và “Diva”…)

   Đây là đề tài quá rộng về nghệ thuật, mà lại hẹp về quan niệm, thói quen Nên rất cần sự cẩn thận, tế nhị trong cách phê bình, vì nó liên quan đến sự vui buồn cuả cá nhân…Nhưng, đã là sản phẩm tiêu dùng (nghệ thuật cũng vậy) người ta có quyền thưởng thức thì cũng có quyền cảm nhận. Và đã là nghệ sĩ chân chính, người của công chúng, thì cũng biết lắng nghe vì…lịch sự cũng là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng, là sự nhận xét đó có thành tâm không? hợp lý lẽ đến chừng nào?
   Với ý niệm đó! Tôi chỉ viết theo kiến thức, suy luận của cá nhân mình…Riêng, những nhận xét cụ thể tên vài Ca sĩ hay tác phẩm của Nhạc sĩ nào đó chỉ là sự chân tình về cảm tính thưởng thức nghệ thuật, không phải ngôn ngữ mục đích dùng để phê phán. Những sai lầm nhỏ chủ quan trong hào hứng nghệ thuật là…chuyện đời thường. Hãy xem như đây, chỉ là ý kiến tóm tắc riêng một khán thính giả. Và chỉ một mà thôi…
   Và khi giải thích trực tiếp với ai bằng lời, khó chính xác hơn là sử dụng luận văn giải trình…Bởi có nhiều thuật ngữ, tính cách điệu ngôn ngữ trong diễn đạt về đề tài nghệ thuật…(Chịu khó đọc vậy).
   Chia làm hai phần riêng cho dễ trình bày cảm nhận: (Phần âm nhạc và phần Ca sĩ).
1- Âm nhạc
   Thật ra, bài hát hay ca khúc chỉ là một phần rất nhỏ bé của âm nhạc. Chẳng qua người ta lấy âm nhạc để làm nền cho ca từ. Và điều đó dễ chuyển tải đến công chúng hơn. Mọi người thừa nhận những bài hát, ca khúc là văn hoá quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tâm tư, đời sống xã hội…
   Và cũng chính vì vậy người ta cũng nhận ra: Con người đang nằm trong giai đoạn nào? của nhận thức, quan niệm, khả năng trong xã hội đó…khi nghe âm nhạc ở môi trường đó…?!
   Điều này chắc bạn cũng biết:
   - Đối với chúng ta về Tân nhạc: Bài hát, ca khúc mới chỉ đến với công chúng khoảng 70 năm trở lại (lấy mốc từ nhạc sĩ Văn Cao). Cũng như văn học, nhạc đều ảnh hưởng đầu tiên của văn hoá Pháp.
   - Trước năm 1975 Hai miền Nam và Bắc có 2 chế độ khác nhau, quan điểm, mục đích nghệ thuật khác nhau…Vì vậy, đa phần quần chúng, khán giả ảnh hưởng thói quen, quan niệm thưởng thức cũng không giống nhau.
   - Sau khi thống nhất đất nước, cho đến tận cuối thập niên 90, đầu năm 2000 mới mở rộng sân chơi ca nhạc…nhưng quán tính cũ vẫn còn tồn đọng trong tầng lớp nhạc sĩ, ca sĩ có tên tuổi của hai miền (trừ một vài người). Nên tư tưởng, kiến thức nghệ thuật chân phương, hoà hợp phải cần một thời gian dài nữa.
   - Không có trường lớp nào dám đào tạo…Nhạc sĩ.(thưòng người ta gọi ngưòi sáng tác bài hát). Và những nhạc sĩ nổi tiếng, lại không học từ học viện âm nhạc ra.(tự học).
   - Chúng ta có 2 hoặc 3 người có khả năng phê bình Văn học, nhưng chưa ai dám…chính thức phê bình các mảng ca khúc hay bài hát…
   - Hầu hết các sân chơi ca nhạc trong nước, được tuyển chọn ca sĩ theo qui định một cách nghiêm ngặt (trường lớp, địa phương giới thiệu). Trong khi thực tế. trong lịch sử…ca hát! những danh ca thường không từ một trường lớp hay học vấn nào cả, giống như các nhạc sĩ (năng khiếu thiên bẩm).
   - Ngày trước, Người ta chỉ nói đến (nhạc) cho người lớn và dành cho nhi đồng (thường do những người có năng lực nghệ thuật sáng tác). Hôm nay chúng ta có thêm mảng mới: Nhạc “ten” (tạm gọi là tuổi mới lớn) đang chiếm lĩnh…thị phần với khối lượng không nhỏ…
   - Ngoài ra, âm nhạc cũng mang nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, biến tấu, cải cách từ nhiều dòng nhạc. Và nội dung, phong cách phụ thuộc riêng cho mục đích sân khấu đó! Chẳng hạn: Tiếng hát truyền hình, Sao Mai, Sao mai-điểm hẹn, Làn sóng xanh, Duyên dáng Việt Nam …Nghĩa là đều có giới hạn: Tuyển chọn, trò chơi, phong trào và…giao lưu. Đương nhiên là làm nghệ thuật…nhưng có giới hạn mục đích.
   - Các sân khấu người Việt hải ngoại (chỉ nói về nghệ thuật) có 3 trung tâm lớn: Paris by night, Vân Sơn, ASIA…Cũng mang ý tưởng chủ đạo khác biệt: Sân khấu Paris …nghiêng về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật. Vân Sơn trình diễn tính cách sân khấu: Đại nhạc hội…đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật. ASIA thì nặng về kịch bản ca nhạc lồng phối cảnh, hoạt cảnh sân khấu…mô tả thêm nội dung bài hát. Phải nói, hầu hết sân khấu, chất lượng hình ảnh, âm thanh của họ hiện đại và nhiều nhân tài, danh ca, diễn viên, vũ công giỏi…và thường chỉ trình diễn những tác phẩm âm nhạc đã tuyển chọn kỹ hay được khẳng định. Ngoài ra, ta nhận thấy: Điều hành sân khấu quyền quyết định lối trình diễn của ca sĩ là do người viết kịch bản âm nhạc, vũ đạo và đạo diễn. Nên không ngạc nhiên khi Ca sĩ trong nước ra nước ngoài, lên sân khấu của họ thì biểu diễn hay hơn…còn khi một số ca sĩ hải ngoại về biểu diễn trong nước lại không được như mong muốn…(điều đáng suy nghĩ)  
   Những người đã từng chơi và nghe nhiều về âm nhạc (trong và ngoài nước) hay những ca khúc đã hoàn thiện, nổi tiếng từ trước đó đã thử thách qua thời gian. Thường khó chấp nhận những sáng tác mới (chắc là thử nghiệm) có vẻ lủng củng, chắp nối hoặc quá đơn điệu. Đôi khi sắc thái không rõ ràng, thiếu hài hoà (có thể do ca sĩ trình diễn, cách phát âm, dàn nhạc, hoà âm phối khí nữa…).
   Có một nguyên nhân cơ bản là do quá trình thay đổi tư tưởng xã hội…và đang khởi động hội nhập lại về tự do âm nhạc…nên đây chỉ là bước đi đầu tiên, chập chững đi tìm kiếm cái mới để thay thế những bài hát cũ (?)…mà lại bằng những cách pha trộn, cải cách trong sáng tác (chưa nói ca từ)…
   Tuy, là những bài hát sáng tác mới, nhưng đó là những cuộc hôn phối dị biến những cái cũ và mới “vàng” và “đỏ” (tư tưởng) hoặc lẫn lộn giữa âm nhạc thính phòng và âm nhạc quần chúng…(hay âm nhạc nhân gian).
   Những tiết điệu thì không hề mới, nó chỉ biến tấu cho lạ…sáng tạo. Thậm chí người ta nối nền nhạc xa xưa gá nghĩa vào giòng nhạc hiện đại, nhạc cụ điện tử…cho Đông, Tây kết hợp, nên chắc khó nhận diện…mà thật ra không thể hoàn thiện.
   Có những bài nhạc Tây hoá, nhưng nếu đem trình diễn người ta vẫn biết là bài hát do người Việt (hồn Việt) sáng tác. Nhưng cũng có bài do người Việt sáng tác, người ta tưởng xuất xứ bên Châu Âu hay Trung Hoa gì đó…rất rõ rệt (Chưa nói đạo nhạc).
   Cải lương, Chèo, hát quan họ hay Ca trù…nếu muốn “tân cổ giao duyên”, thì cũng phải tách bạch…chứ lo trộn, xáo thì khó mà hoà tan được âm vực, cung nhạc. Đó là chưa nói đến hai tâm hồn hoà hợp. Giống như hát Ca trù mà…sử dụng hoà âm bằng organ vậy…?
   Thật ra, nghệ thuật bao giờ cũng cần cái thuần chất, hồn nhiên để dễ cảm thông và chia xẻ tâm tình…Chẳng hạn như những bài hát Dân ca (Phạm Duy viết lại) hay những bài mang âm hưởng dân ca của Nguyễn Văn Tý thì bạn sẽ thấy nó hoà hợp với nhiều tiết điệu. Khi trình diễn trong hay ngoài nước, khán giả vẫn cảm nhận âm nhạc thật sự rõ nét, có ý nghĩa…Hay những bài hát thiếu nhi, hát cho tuổi hồng (mới lớn) luôn luôn hay, đẹp mãi… Bởi nó quá trong trẻo, chân thật, hồn nhiên. (Kể cả dòng nhạc đấu tranh lý tưởng, Cách mạng…).
   Sự thật! sân chơi âm nhạc của chúng ta chỉ là sân khấu nhỏ thu hẹp, thiếu kịch bản, đạo diễn tầm cỡ…tính chất lãng mạn thường thay cho cái Tôi kiểu cách…nên giá trị nghệ thuật, nhân văn giảm đi nhiều…Ai cũng có thể trở thành nhạc sĩ (tự nhận) bằng cách đơn giản là hãy nói cái gì đó…rồi trộn âm thanh theo qui tắc hợp âm là được (Bạn thấy quá đơn giản phải không?). Qui luật: Tác phẩm nào, diễn viên đó là lẽ đương nhiên.
   Những quan niệm về âm nhạc: Dòng nhạc này hơn giòng nhạc kia là rất phi lý…Nó chứng minh sự hạn hẹp về kiến thức (thưởng thức) hoặc do ít trần trãi cảm nhận về tâm hồn, bản sắc con người, cuộc đời đối với tha nhân…Một hôm, bạn thử làm người ngao du, lang thang phố chợ…ngồi trên vĩa hè hay công viên nào đó, nghe người hát rong đường phố hát nhạc “sến”…những bài hát kể về một chuyện tình xa xưa nào đó hay chỉ đơn giản là nổi niềm riêng…Bạn hãy cố lắng nghe lời ca từ, giai điệu…và suy tư để hiểu được tâm sự thế nhân hoặc nghệ thuật của hạnh phúc trong niềm đau thương. Khi đó bạn sẽ hiểu âm nhạc là gì…
   Vì vậy muốn hiểu được âm nhạc ít nhất người ta cũng phải biết thưởng thức tượng trưng chút ít nhiều phong cách nhạc: Cổ điển . opera, cải lương, chèo, hát bộ…hay các ca khúc mang dòng ý tưởng: của Cách mạng (đỏ), của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Lâm Ngân, Hoàng Trang, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Trần Thiện Thanh, Lê Hựu Hà, Đức Huy…Sở dĩ Tôi kê lên danh sách các tác giả viết ca khúc…Bởi lẽ, mỗi người viết nhạc và ca từ mang sắc thái riêng, mang ý tưởng cá tính rõ nét, không nhầm lẫn và sáng tác nhiều…
   Ngoài ra, Bạn cũng phải biết đặc tính cơ bản âm lượng, giai điệu đặc trưng Jazz, Pop, Rock…chẳng hạn. Riêng về Hip-hop chủ yếu dành cho tuổi trẻ, tiết điệu tự nhiên ấn tượng, nặng về phong cách "ten" biểu kỹ thuật động tác. Còn cách nhả từ thanh-nhạc kiểu: opera, mỹ-la-tinh…theo ca từ, điệu nhạc nào phù hợp với ca kịch, ca khúc tự tình…để thưởng thức nghiêm túc hơn…
   Nhưng nói như vậy, là thuộc về lĩnh vực chuyên môn, thưởng thức rộng…Trong thực tế người không có kiến thức âm nhạc, người ta vẫn có thể nhận ra bài hát đem đến cho công chúng là: Hay, dở thế nào chỉ bằng cảm xúc tự nhiên, không cần lý giãi. Và ai muốn bẻ cong quan niệm thưởng thức âm nhạc là điều không tưởng…thường môi trường sống thế nào, quan điểm thế ấy! (trừ một vài người)…Sự hội nhập mà thiếu năng lực, cũng gây các hiệu ứng…lầm lỡ. Chưa nói đến sự ngộ nhận mình là người hiểu và thưởng thức đẳng cấp âm nhạc…(sự giới hạn trường phái, giòng nhạc)
   Nhưng luận bàn những cái gì thuộc về nghệ thuật, thì ít nhất nó đã được chuyên môn hoá. Trong khi đó, những bài hát thường có nhiều mục đích khác nhau. Hai ranh giới của giãi trí đơn thuần và nghệ thuật đẳng cấp rất dễ nhầm lẫn. Điều này cũng phụ thuộc vào người quyết định đưa tác phẩm đó đến với mọi người…Nhưng, Công chúng và thời gian sẽ chứng minh được giá trị chúng! xứng đáng có nhu cầu được tồn tại không, tồn tại bao lâu?
   Có những bài hát khi trình diễn, nó đã chết từ khúc dạo đầu…Những lời tung hô ca ngợi quá đáng, hoặc dùng thuật ngữ “phong cách” cầu kỳ, chuyên môn “qui ước” loè thiên hạ… bạn không nên tranh cãi, xem như vốn lẽ tự nhiên của người đời (một nhóm) có một chút…màu sắc khi nói. Vì dòng tân nhạc nguồn gốc ở tiết điệu chủ đạo không nhiều, nó đến từ Châu âu, Mỹ la tinh, châu phi là phần lớn…
   Sự hãnh tiến…kiểu tự tin có giới hạn cái nghiệp dư, mà đã vội vàng trịnh trọng trên sân khấu lớn chuyên nghiệp, dẫn đến cái chết rỗng là điều dễ hiểu…Sự cực đoan, tâm lý cát cứ âm nhạc hoài cổ địa phương để sáng tác dù cho nó thành công đến bực nào thì cũng là…đồ cổ. Không những giới hạn âm nhạc, cung bực, tiết điệu…với cuộc sống hiện đại mà còn giới hạn thưởng thức cá biệt, không phù hợp với nhu cầu hoà nhập văn hoá đại chúng. Hơn nữa thưởng thức “đồ cổ” là âm thanh thực, lời thực chứ không phải…đồ giả.
   Riêng về nhạc “Ten”…rất nhiều người không hài lòng về một số ca từ: Có vẻ Ngây thơ quá mức khó hiểu, nghe xong hổng bit, hổng hỉulun, ngôn ngữ độc ác vô tư, giết tình iu như giết …Kiến. Nhưng công bằng mà nói cũng có nhiều bài hồn nhiên. Cách nhả từ đặc trưng “ten” rất đáng yêu…như ta vẫn thừa nhận nét mến thương về lối hát, trình diễn của các nhóm Mây trắng, Sắc màu…vậy. Và nếu mảng nhạc “Ten” chảy vào dòng nhạc chung, là lẽ tự nhiên của thời đại…không có gì phải ngạc nhiên. Chúng ta chỉ ngạc nhiên khi nội dung bài hát “tối nghĩa” nào đó! Đã được thông tin văn hoá… duyệt.
   Có nhiều người lớn tuổi cho rằng: Tuổi trẻ còn non nớt, không có chiều sâu sáng tác, trình diễn…chưa có bề dày kinh nghiệm sống! Tôi nghĩ, điều đó là nhầm lẫn, sai lầm lớn! nhất là đối với văn chương, thơ ca, trình diễn nghệ thuật…Vì lịch sử nghệ thuật đã chứng minh: Rất nhiều tài năng, tác phẩm nổi danh đều phát triển rất sớm…ngay từ thời niên thiếu. Nó không hề cá biệt, vì hầu hết các tác phẩm thơ ca, âm nhạc (cả ca sĩ) thành công nhất của các tác giả, nghệ sĩ đều nằm trong thời gian tuổi còn trẻ. Khi có tuổi, hình như các tác phẩm đã cạn kiệt hoặc hết cảm xúc hồn nhiên nữa…Nghĩa là kinh nghiệm cuộc đời không có nghĩa đã làm nên nghệ thuật.
   Thực ra, đôi khi chúng ta quá dễ dãi về lời nhạc…chính những người lớn, nhạc sĩ nổi tiếng cũng còn thiếu thận trọng, mắc những sai lầm đó! Có những câu kinh dị tệ hại “ném đá vỡ đầu nhau ra” (Vy Nhật Tảo), hoặc lẫn thẩn “không dám nhìn vào đôi mắt ấy” mà biết nó…lại đẹp. trong khi đó “đôi mắt pleiku biển hồ đầy”(hình tượng) chỉ có…một (Nguyễn Cường). Đó là chưa nói đến âm nhạc, phối âm phối khí xa lạ…như bài “ngọn lửa cao nguyên”(Trần Tiến) nghe qua…giống như dân tộc tây nguyên của mình đang ở Châu Mỹ với người da đỏ hay tham dự đốt lửa với bộ lạc Châu phi nào đó…(thiếu hiện thực). Hoặc “rinh” nguyên xi câu kinh, tiếng kệ, triết lý cao siêu tôn giáo nào đó, để gọi đây sáng tác, là điều hết sức…ly kì. (An Thuyên)
    Âm nhạc của tôn giáo: Thiên chúa giáo và Phật giáo riêng trong nước có rất nhiều và rất hay có bài đạt đến nghệ thuật, trình độ cao. Họ cũng chia làm ba thể loại: Nhạc lễ, nhạc trình diễn, sinh hoạt đoàn thể (Đạo Phật). Bên Công giáo có thêm nhạc “Thánh ca vào đời”…Nhưng họ rất tế nhị, chỉ trình diễn lưu hành nội bộ có nơi, có chốn không làm phiền ai. Lời nhạc cũng đại chúng chứ không phải bằng những ngôn ngữ: La-tinh, tiếng phạn…khó hiểu với mọi người…
   Có lẽ, muốn làm nhạc sĩ? chắc cần có một kiến thức Văn, thơ, lịch sử…tổng hợp tâm lý xã hội thì tốt hơn. Còn không, nên giới hạn, khiêm tốn bản thân mình trong sáng tác…
   Phát động phong trào sáng tác “Làn sóng xanh” cũng tồn tại một thời gian ngắn. “Bài hát Việt” thì công chúng chưa ai thuộc…lời. “Duyên dáng Viêt Nam ” lại nhờ nhiều vào nhạc sĩ, ca sĩ hải ngoại…nhưng cũng xáo đi, xào lại cái cũ pha chút…cải cách. Dù vậy, cũng là cố gắng đáng ghi nhận.
   Các chương trình thi tuyển phạm vi đài truyền hình, thì đã có yêu cầu, mục đích đối tượng riêng…Còn “Sao mai-điểm hẹn”, Idol…chỉ là sân thi tuyển có vẻ chuyên môn hoá…nhưng cũng chỉ là sân chơi cho ca sĩ-học trò tập sự sân khấu. Nó cũng tạo điều kiện thử sức, thể hiện, quảng bá tên tuổi. Người có bản lĩnh, ai tham gia chi?  để cho các Thầy lấy quan điểm cá nhân, lấy vài nhạc ngữ…học thuật ra phê phán.
   Hiện tại, nhiều ca sĩ thành danh đang thiếu tác phẩm chất lượng hay, mới để trình diễn…Nên chỉ đào xới lại nhạc Trịnh, Văn Cao, Đức Huy…nhạc nước ngoài để hát và sản xuất video clip…Lẽ đương nhiên, làm sao so sánh nổi các bậc đàn anh, đàn chị “danh bất hư truyền”trước đó, khi họ đã ở, sinh ra trong môi trường đó!…Sự thiếu thốn tác phẩm lẩn quẩn chưa có lối thoát?!
   Trong số nhiều nhạc sĩ, thì Trịnh Công Sơn có nhiều ca khúc nhất, tên tuổi đi xa nhất và cũng nhiều huyền thoại tình yêu…vu vơ nhất! Nhưng, thực tế “Ca khúc da vàng”mới là điều đặc biệt quan tâm. Còn các tình khúc so với nhiều nhạc sĩ khác, chỉ ở mức tương đương. Nhiều lời Ca như thơ (văn vần), cách điệu, phù thuỷ ngôn từ độc đáo, thích nói về triết lý…thân phận con người.
   Nhưng thực ra, nhạc Trịnh phần lớn trình diễn với guita bằng chất giọng tri giác, rõ ràng…hư vô. Chứ không phải kiểu cách với dàn nhạc cầu kỳ hiện đại. Và vì vậy, người bình thường có tư duy thơ ca một chút thôi! cũng nhiều lúc hát cảm xúc hơn các ca sĩ trình diễn kiểu kỹ thuật thanh nhạc. Đó là điều duy nhất ái mộ ở nhạc Trịnh…
   Điều tôi muốn nói là: Mỗi nhạc sĩ sáng tác có ý tưởng riêng, phong cách riêng…tất nhiên phải có giai điệu riêng và cũng cần giọng hát riêng. Và điều đó đã làm nên tên tuổi, không chỉ là ở tài năng mà thêm cả cá tính của họ nữa… Chứ không phải “thiên tai”, mâm nhạc nào cũng xen vào được.
   Khi bạn muốn bắt đầu chơi nhạc hay hát một ca khúc nào của: Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng…hay các tiết điệu, giai điệu dòng nhạc khác thì chắc chắn…dù của riêng ai, dòng nhạc nào, bạn cũng sẽ mất khá nhiều thời gian luyện tập, suy gẫm…và dù cảm thông (năng khiếu), nhạy cảm đến cỡ nào thì thời gian cũng không cho phép bạn thành công hết! cùng lắm nó cho bạn khả năng thưởng thức sâu hơn. Vì vậy, người ta cần có thiên hướng, thói quen…
   Thật ra, trong vài năm trở lại đây, nền âm nhạc thế giới cũng bị chửng lại, không sinh động, sáng tạo chất liệu nghệ thuật hay, nhiều như các thập niên 70, 80 nữa…mà vẫn lẩn quẩn dựa trên nền cũ để tạo ra phong cách trình diễn mới mà thôi. Điều này, một số chuyên gia nghiên cứu chắc cũng hiểu được nguyên nhân xã hội…tự nhiên của âm nhạc. Và không phải khi nào nhân loại cũng đẻ ra được nhân tài…Hơn nữa thế giới ngày nay, tư tưởng kinh doanh đang thống trị phần lớn nhận thức con người trong xã hội, cộng với phần mềm kỹ thuật hoá nghệ thuật điện tử chi phối, thực dụng...
2- Ca sĩ
   Ở đây, chúng ta không nói đến những ca sĩ đã nổi tiếng trước năm 1975 ở cả hai miền Nam, Bắc vì: Mặc dù, họ có phong cách, quan điểm nghệ thuật và kỹ thuật thanh nhạc khác nhau…nhưng, hầu hết họ đều có năng lực tự nhiên (năng khiếu), có chiều sâu đam mê nghệ thuật chân phương…Và vì vậy, chỉ trình diễn những tác phẩm phù hợp chất giọng, cá tính họ…nên hầu hết ít sai sót. Nhiều ngôi sao tên tuổi ca nhạc thời đó đến nay vẫn bất tử dài lâu.
   Những quan điểm cho rằng cách phát âm thanh nhạc này hơn giọng hát kia là hết sức phi lý, thiển cận…Nền văn minh thanh nhạc cũng thay đổi theo thời gian, không gian, đối tượng rộng mở hơn và nội dung cũng quan trọng hơn. Qui luật 7 nốt nhạc cơ bản và âm thanh, âm vực nhiều nhạc cụ cho đến ngày nay phong phú hơn nhiều. Và vì thế! nhiều tiết điệu, giai điệu mới hình thành hoàn thiện, sáng tạo hơn cho tri giác âm nhạc quần chúng…
   Vì vậy, những ca sĩ hát tân nhạc hiện đại họ sử dụng nốt nhạc nhả từ (xướng âm) chuẩn mực, rõ ràng hơn…không cần dùng giọng hợp âm, echo cầu kỳ... để bù đắp không gian, âm thanh thiếu nhạc cụ như xưa…Đương nhiên giọng ca “mo-tip” nào thì phù hợp với nền nhạc, ý tứ đó…
   Sự thành công trong nghề nghiệp nghệ thuật ca hát, thường người ca sĩ phải biết chất giọng, năng khiếu, thói quen, tư duy của mình thành công ở thể loại nhạc nào nhất! có lượng thính giả nhất định, để định hướng cơ bản phát triển năng lực đó mỹ mãn hơn…
   Nhiều người quan tâm theo dõi nền ca nhạc trong nước (sau 1975) thì đều biết! Từ giữa đến cuối thập niên 80 (thế kỷ 20) đã chuyển dần và mở rộng về nội dung, đề tài sáng tác, trình diễn…Nhưng phong cách, kỹ thuật thanh nhạc của các ca sĩ vẫn ảnh hưởng quan niệm theo môi trường sống cũ. Nổi trội tên tuổi ở trong Nam là 2 chị em Bảo Yến và Nhã Phương, Cẩm Vân. Ngoài Bắc có Ái Vân…đến giữa thập niên 90 (nhạc nhẹ) có Mỹ Lệ, Thanh lam, Mỹ Linh. Rồi từ năm 2000 có Mỹ Tâm, Hồng Nhung…và số lượng lớn ca sĩ cũng thành danh nhờ phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh…Các bầu xô xuất hiện sản xuất băng, đĩa tràn ngập thị trường…
   Trong số những ca sĩ trên, thì Bảo Yến thu âm phát hành (băng casset) nhiều nhất! Giọng ca đặc biết ấm áp, nhả từ mạch lạc, chính xác từng cung bậc, ngọt ngào giai điệu quê hương…xứng đáng là danh ca không ai bàn cãi…rất tiếc, sau này không thấy phát hành abum, dù vài năm gần đây có đi lưu diễn khắp thế giới có cộng đồng Viêt nam định cư ở nước ngoài. Còn Nhã Phương không những hát hay, tài hoa mà còn rất hấp dẫn, xinh đẹp khi biểu diễn mạnh những bài nhạc trẻ nước ngoài…nhưng bấy giờ, quan niệm xã hội còn gò bó trong khuôn khổ, ít sân chơi…sau khi lập gia đình với nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Nhã Phương không tham gia nhiều như trước nữa.(tiếc).
   Ngoài ra, Ca sĩ Ngọc sơn, Đan trường, Lam Trường và Cẩm Ly…là những ngưòi cũng thành công lớn trong thu hút lượng khán giả đông đảo nhất. Ngọc Sơn cuốn hút da diết nhạc “sến” và có nhiều tai tiếng về lối sống, tính cách khác ngưòi, bị phê phán trên truyền thông báo chí nhất!(đã từng bị tù) nhưng cũng…có vẻ giàu nhất và tham gia công việc từ thiện cũng nhiều nhất. Nhưng công bằng mà nói anh ta có khả năng nghệ thuật, kỹ thuật hát loại nhạc này nhất (trong nước). Còn Đan trường, Lam Trường và Cẩm Ly thành danh vào cuối năm 1999 dầu năm 2000 để có rất nhiều fan hâm mộ. Tất cả các ca sĩ này đều có chất giọng ngọt ngào như tính cách của họ. Đan Trường và Lam Trường có gốc trung hoa nên thành công trong các thể loại nhạc nhẹ, hiền hoà, lãng mạn…Riêng Cẩm Ly lại…đa sắc màu, ảnh hưởng nghệ thuật trình diễn theo lối ca sĩ hải ngoại, không kiểu cách, đầy ấn tượng…
   Đầu năm 2000 cho đến nay có Phương Thanh, Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Quang Dũng, , Đàm Vĩnh Hưng…Ồ! rất nhiều ca sĩ. Đặc biệt là các nhóm nhạc: Tam ca áo trắng, Trio 666, Mây Trắng, Sắc màu…đã làm phong phú lên rất nhiều, mở rộng đối tượng khán giả. Tôi cho rằng những nhóm nhạc này đều thành công đáng trân trọng, đáng quí. Tiếc thay, sự khan hiếm tác phẩm riêng cho họ và thời gian giới hạn tuổi trẻ…các nhóm nhạc không thể tồn tại lâu được. Ngoài ra, các băng video (1998-1999) ca nhạc nhà hát thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh do các ca sĩ nhí (có Quang Vinh, Hiền Thục…) thực hiện (sau này còn có Xuân Mai) rất hay, đáng ngưỡng mộ. Mỗi nhân tố hình thành đều có môi trường của nó. Sự hoàn thiện cũng cần thời gian, nhiều yếu tố hoà hợp…nhất là tài năng biên tập, đạo diễn.
   Tuy nhiên, Dù muốn hay không? Chúng ta vẫn thừa nhận chưa có ca sĩ hành nghề chuyên nghiệp nào làm chúng ta hài lòng về cách trình diễn các tác phẩm kinh điển…vì họ quá “vô tư” tuỳ tiện hát theo ý mình. Phải chăng, đây là nguyên nhân các ca sĩ khoái sáng tác?  Người thì lúng túng lựa chọn hướng đi. Người thì quá cực đoan phong cách của mình. Kẻ thì chơi đa dạng hoá như Đàm Vĩnh Hưng (100 bài trúng 2,3 bài…hợp gu cũng được).
   Các lớp dạy thanh nhạc hiện nay chỉ chuyên dạy một giọng “opera”…Trong khi đó nền tân nhạc phần lớn sử dụng nhiều nhạc cụ làm nền, nên chỉ cần giọng ca hay và rõ ràng. Còn kịch tính, màu sắc tuỳ theo năng lực mỗi người. Và thường, mỗi bài hát, giai điệu chỉ phù hợp với một chất giọng nào đó…Nếu pha trộn và…“hú hé”, thì chẳng qua thêm thắt, khoe giọng…Có thể tạo nên kịch tính đặc biệt, nhưng cũng có thể trở thành kẻ…ăn mặc màu mè, diêm dúa. Vì vậy, sự mạo hiểm cái tôi của cá nhân là một kịch bản nghệ thuật…khó.
   Công bằng mà nói chúng ta cũng có vài giọng ca tự tin, nhuần nhuyễn, sắc thái rõ ràng như Thanh Lam, Mỹ Linh…Nhưng, rất tiếc bản ngã nghiêng về kỹ thuật không làm cho nghệ thuật tâm hồn người thăng hoa với đời. Hồng Nhung thì nhả từ quá…nghiệp dư. Mỹ Tâm cũng dừng lại chỗ…Hoa mi hót. Đàm vĩnh Hưng hát trong các…phòng trà rất tốt. Đan Trường, Lam Trường chỉ nghe được vài lần và chỉ thuộc một số đối tượng fan. Quang Dũng có lợi thế giọng ấm áp nhưng kiểu cách, vội đi quá xa về tư duy, năng lực. Thanh Thảo có vẻ lựa chọn đúng khả năng của mình. Tùng Dương có vẻ già trong giọng hát, non trong trình diễn…Đa phần các ca sĩ còn lại đều nằm trong tầm các sân khấu nhạc giãi trí, quảng cáo…
   Nói chung, phần lớn giọng hát chưa sang trọng, trình diễn hơi khách sáo, tính cách kém trang nhã chưa hoàn thiện…Tiếc là họ đều là ca sĩ thực thụ. Chỉ có khuyết điểm nhỏ về cái cá nhân lạc lõng, giọng hát thường bắt chước lẫn nhau…nên làm được nghề ca hát thì cánh tay dài lắm cũng chỉ mới cùng chen nhau, với đến…cánh cửa nghệ thuật. Nhưng cũng rất may, khán giả trẻ ngày nay của chúng ta dễ tính hơn, họ yêu tính cách, gần gũi…tự nhiên không cần nặng nề chau chuốt nghệ thuật (cũng là một lý do). Vì đối tượng khán giả này là: nghiêng về Tình cảm, vui chơi và giãi trí. Người đẹp…hát cũng quá tuyệt!
   Sở dĩ một ca sĩ không thành công lắm với một bài hát nào đó! Vì không phù hợp với chất giọng tình cảm, tâm tư, nhận thức của ca sĩ…hoặc nhạc sĩ viết bài hát đó, nhạc và lời không hay, vô hồn, không định hướng rõ nét làm ca sĩ không có tác phẩm xứng đáng để thử sức mình. Dẫu sao một bài hát hay cũng dễ đánh thức tình cảm con người hơn. Thực tế, trong đời ca hát, kể cả các danh ca cũng thành công với số lượng…chỉ vài bài (ruột) để đời cũng đã là quí rồi!. Vì vậy, ca-nhạc sĩ luôn là mối cảm thông hiểu biết không thể tách rời hiện thực…trừ những thiên tài.
   Gom lại…
   Không riêng về âm nhạc, tất cả các ngành nghệ thuật khác của chúng ta cũng không thoát khỏi định mệnh của tư duy trong ranh giới hạn hẹp đề tài và quan điểm. Sự bó chặt nội dung đầu làng, cuối xóm dài dòng. Triết lý nhân sinh cầu kỳ hoặc đơn điệu cũ kỹ, xa lạ hiện thực sống và quan trọng hoá nhân vật lý tưởng xa rời lý luận, thực tiễn. Hay khi đi vào đề “mở”thì thường chủ quan(dạy đời) trở thành dị biến không có sức thuyết phục cả kỹ thuật, hình thức lẫn nội dung.
    Kỷ thuật có thể học tập được…nhưng, quan trọng nhất là chúng ta thiếu tư duy khoa học hiện thực và nghệ thuật. Đã vậy, lại bắt chước lối trình diễn lạ lẫm, đạo nhạc, mua kịch bản nước ngoài biên tập lại…phi thực tế (nghệ thuật kém), non nớt…Nên công chúng quay ra thưởng thức nghệ thuật các tác phẩm, diễn viên nước ngoài, lấy những thần tượng xa lạ trở thành thân quen. Điều này chẳng phải lỗi tại ai…(sự hợp lý).
   Nhưng , những gì liên quan đến nghệ thuật là cần có cụ thể mới lý giải, chứng minh được. Chứ phê bình chung chung thì khó hiểu và thiếu tế nhị…Mong sao, khi nghe hay xem một chương trình nghệ thuật ca nhạc, ca kịch, phim truyện nào đó!...Khán giả có nhu cầu thưởng thức, không phải ái ngại và mắc cỡ giùm…diễn viên là được.
   Chúng ta rất một tư duy phóng khoáng, tôn trọng tâm tình người, tự do xã hội và cần người có tài năng thực sự, kiến thức và khiêm tốn nữa… cho lĩnh vực này. Hãy chờ xem…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét