Rừng
núi hoang sơ…
(Câu chuyện đường
rừng…)
“Tôi viết những đoạn hồi ký này! Chẳng qua, chỉ là
mạnh dạn ngỏ ý một chút tâm tình cá nhân của mình có đôi chổ khác với quan niệm
của nhiều người trong thế giới “văn minh” của chúng ta…Những mẫu chuyện lạ
lùng, khó hiểu, bí hiểm của rừng sâu…những tập tính, tập tục kì dị, ma quái…có
cái lý giải được, có điều mơ hồ nhìn thấy không thể chứng minh. Nó như một thế
giới riêng tư…có ở môi trường này! nhưng lại không có ở môi trường khác…
Gần 3
năm chung sống với họ và thêm 3 năm khảo sát nhiều vùng rộng lớn ở tây nguyên
đã cho tôi gặp gỡ nhiều dân tộc khác nhau, có tập tục khác nhau…Họ có điểm
chung là nền văn minh của họ phát triển cách chúng ta…có lẽ đến 2000
năm…
Khoảng cách nền văn minh xã hội là do các nhà khoa học phân tích. Tôi không
quan tâm về chuyện đó nhiều…mà chỉ quan sát hiện trạng sinh sống chung về cộng
đồng của họ bằng sự đồng cảm, hoà đồng… Có lẽ, khi có tình cảm với ai…chúng ta
nhìn họ tốt đẹp và thường…binh vực hơn chăng?
Tôi không biết! Nhưng, biết chắc một điều…Khi con người sống hoà hợp với
thiên nhiên, không cạnh tranh…người ta đối xử với nhau tốt hơn, bình đẳng
hơn…và đương nhiên trung thực với cuộc đời hơn. Họ không ngộ nhận hạnh phúc
hoặc đau khổ. Họ không mượn tạm, giả danh tình yêu và họ biết cách lãng
mạn từ hiện thực…
Kể
chuyện quá chi tiết…thì quá nhiều. Vì vậy, ở đây chỉ tóm tắt, tượng trưng những
cái gì cần thiết, không cầu kỳ, kịch tính…mà là một bức tranh đơn sơ hoang dã
như cây cỏ, núi rừng tự nhiên thôi…”
(1)
Trong cuộc đời người…có lúc vui, lúc buồn. Có khi ta yêu
xã hội nầy! và cũng có khi ta ghét nó! Ta chán đời! Ta lẫn thẩn…tìm chốn lãng
quên…
Vào
năm 19 tuổi, Tôi là người như vậy! Tôi hoang mang giữa cuộc sống đơn điệu không
tìm được lối thoát…không lý tưởng, không sáng tạo, không luận bàn…
Nên
Tôi đã xung phong đăng ký làm một “chiến sĩ diệt dốt”…từ bỏ nền văn minh phố
thị, để đi đến tận những vùng sâu của rừng núi hoang sơ, miền xa hẻo lánh, bất
đồng ngôn ngữ, sinh hoạt lạ thường, tâm tình xa lạ…Để làm gì đây? Chỉ để đời
phiêu bạt, rong chơi…tìm hiểu trực tiếp văn hoá các dân tộc thiểu số tây nguyên
và để thử thách gian nan đời mình xem sao…
Nhưng
bạn biết không? Ở nơi đây không có thế thái nhân tình, không nhiễu nhương thế
sự, không có khôn ngoan hay ngu dốt…Chỉ có chút vụng dại hoang sơ không manh
nha tính toán, tình người rất trong trẻo…
Vì
đường rừng hiểm trở xa xôi và vì muốn bỏ quên đi nổi nhớ hay tò mò…nhìn phố xá
dòng người xuôi ngược: Đang bon chen, lầm lũi? hay hoạnh hoẹ, trầm tư?…giữa một
bức tranh vốn dĩ luôn chất đầy cạnh tranh…âu lo cho ngày mai. Nơi mà người ta
tự hào về đẳng cấp, về sự văn minh của con người đã trở thành quá quen
thuộc…Nên Tôi cũng ít ghé về qua phố thị.
Núi
rừng tây nguyên lúc bấy giờ vẫn còn nhiều hoang dã…Nhiều buôn làng nằm chơi vơi
trong các hẻm núi chập chùng mưa nguồn, gió núi hay sâu thẳm giữa thung lũng mù
mịt hơi sương, khói đá…nhiều tộc người còn xa lạ với người Kinh.
Lần
đầu tiên đi qua những khu rừng hoang vu, rờn rợn…không có tia nắng nào lên lõi
qua được những tàn lá cây dày đặc. Tôi bước đi trong thế thủ qua những nơi tối
tăm, hiểm yếu và chạy lao nhanh trên những lối mòn thẳng tắp, vì sợ không kịp
tới buôn làng gần nhất cho kịp tối…
Sợ…nhưng vẫn thích mạo hiểm như bao lần trong đời! Với chiếc ba lô nặng trịch
trên vai, chủ yếu là lương thực, dụng cụ nấu nướng…một bộ đồ thay đổi và vài
quyển sách, bên hông có đeo bi đông nước và cây dao ngắn dắt lủng lẵng…trên tay
là cây lao tự làm bằng cây le rừng nhọn bén, để làm gậy chống và đề phòng thú
dữ…
Chiều
trong rừng xuống rất nhanh, Tôi nghe tiếng gà gáy đâu đó xa xa…Chui qua những
lùm cây rậm rạp, trên lưng đồi bên kia là những mái nhà làm bằng tre nứa ẩn
hiện khói lam chiều lơ lững…
Khi
vừa thấy Tôi xuất hiện đầu làng, có tiếng chó sủa…Khi đến gần căn nhà đầu tiên,
thì các súc vật: Chó, heo, gà…chạy tán loạn ra xa len lét, im lặng, đề phòng
đứng nhìn Tôi dò xét…những đứa trẻ lấp ló sau cánh cửa sợ hãi, tò mò nhìn qua
khe hở…
Tôi
quá sửng sốt và ngạc nhiên…vì loài vật cũng có cảm nhận sự khác biệt của con
người khác chủng tộc, hay là khác môi trường sống? Đây là lần đầu tiên. Sau
này, Tôi còn nhận ra rõ ràng hơn khi thấy bị: Bọ chét, ruồi vàng, muỗi, các
loài vắt…lao vào tấn công mình nhiều hơn…rất ít khi tấn công họ. Những con trâu
điên đi hoang lạc bầy trong rừng khi bị dân làng bao vây, chúng nó đều hướng
cặp sừng về phía Tôi giữa đám đông người. Chắc là mùi mồ hôi của họ đã hoà lẫn
với thiên nhiên khó phát hiện hơn mình. Điều này, làm Tôi cần cẩn thận hơn khi
đi một mình giữa rừng vắng…Có lẽ Tôi sẽ hút thuốc lá của họ và ăn uống gần như
họ…
Thường những người lớn đi làm lên nương rẫy khoảng giữa buổi sáng cho đến chiều
tà mới trở về làng. Tôi phải cố gắng nắn giọng bập bẹ cố phát âm cho chính xác
ngôn ngữ của họ…để hỏi tên người cần gặp. Một lát có người già ra nói gì đó và
chỉ vào một nhà sàn gần đó…Tôi đoán là ngôi nhà chủ nhân Tôi cần gặp.
Nhưng
khi lại gần bậc thang, Tôi thấy những nhánh lá còn tươi xanh treo giữa cửa. Tôi
đành treo võng dưới cột sàn nằm nghĩ đợi chủ nhân về, vì Tôi cũng tìm hiểu sơ
qua về phong tục họ trước khi lên đường phiêu lưu…Khi họ treo những chiếc lá
rừng còn tươi xanh kiêng cữ, có nghĩa là bạn không được chào đón, nếu không có
sự đồng ý của chủ…
Lũ
trẻ, sau một lúc thấy chưa có gì nguy hiểm…mon men lại gần, đứng xung quanh tò
mò quan sát Tôi như một sinh vật xa lạ. Tôi muốn làm quen, nên lấy bút chì và
giấy ra vẽ chân dung một trong những đứa trẻ dễ nhận dạng nhất và đưa cho chúng
xem…thế là tiếng cười, tiếng líu lo như chim. Tôi ra dấu tặng cho nó bức hình…nó
vừa hí hửng vừa rụt rè giựt nhanh tờ giấy chạy ra xa…lũ nhỏ chạy theo xúm sít
xem…
Khi
người chủ nhà về…nghe Tôi giới thiệu, anh ta gật gù mời tôi lên nhà bằng tiếng
Kinh vắn tắt không rõ ràng lắm…Và từ đây, Tôi bước vào thế giới rừng núi hoang
dại, với nền văn minh bên bếp lửa và phải tìm cách đốt đèn đọc sách.
Trong
quá trình công tác, mỗi buôn làng tôi thường ở lại khoảng 2, 3 tháng (chẳng có
ngày giờ) chỉ tính theo mặt trăng, mặt trời làm đơn vị. Đầu tiên Tôi phải cố
gắng học tiếng nói của họ với người biết chút ít tiếng kinh bập bẹ…Phải ra dấu,
dùng hình vẽ mới tạo ra quyển tự điển cho mình…Và khoảng 2 tuần sau Tôi bắt đầu
dạy chữ cho họ. Chỉ dạy được ban đêm dưới ánh đuốc nhấp nhô, vì ban ngày họ đi
nương rẫy, săn bắn…Hằng đêm họ đến đông đủ, có lẽ vì tò mò hoặc luật lệ…hiếu
khách của làng.
Càng
về sau, Tôi mới thấy họ rất tôn trọng luật lệ trong làng, như một qui tắc văn
hoá tự nhiên không gò bó, rất tôn trọng nhau. Họ luôn kính nhường cho khách,
không hề phân biệt tuổi tác, chỉ có quí trọng nhân cách của lòng tốt mà
thôi…Bởi vậy lòng tự trọng của họ rất cao. Họ cảm nhận thái độ của bạn rất nhạy
bén. Nếu bạn cho họ kiến thức, họ sẽ vâng lời và quí trọng. Nhưng nếu bạn tỏ
thái độ tự cao vì là kẻ văn minh hơn, thì bạn hãy cẩn thận…Họ sẽ cho đó là kẻ
xấu xa, ngu xuẩn không đáng phải tồn tại…
Tôi cho bạn biết về phép lịch sự của họ: Dù đường có rộng
họ vẫn đi hàng một, và nếu bạn là một vị khách nào đó từ xa đi đến sau lưng thì
họ sẽ nhận thức liền…người sau báo cho người trước. Tất cả dừng lại, để cho bạn
đi qua hết rồi, mới tuần tự từng người tiếp tục đi. Bạn có thấy đây là một ứng
xử hết sức tinh tế và biết tôn trọng người với người và với thiên nhiên phải
không? Những lối mòn họ đi rất nhỏ hẹp, bạn phải bước khép chân vừa phải…
Trong
khai mở rượu ghè nếu có khách, họ sẽ mời khách uống trước…Bạn có
thể từ chối nếu không uống được rượu, nhưng hãy nhớ phải thật lòng. Nếu không,
họ có khả năng nhận ra bạn là kẻ thích khinh khi người khác…và bạn không nên ở
lại với họ.
Có một qui định…mà khi kể ra, bạn sẽ tròn mắt ngạc nhiên
(cả thích thú): Vào một buổi sáng khi hơi sương còn dày đặc giữa núi rừng, Tôi
xuống chỗ lấy nước, nơi mà họ dùng những ống lồ ô lấy nước ngọt chảy ra từ lòng
đất…Tôi bổng giật mình hoảng hốt vì họ đều…cởi truồng đang tắm, toàn là phụ nữ.
Tôi vội vàng quay lưng bước nhanh về nhà không dám ngoảnh đầu nhìn lại, lòng lo
sợ một sự hiểu lầm đáng tiếc…
Nhưng
chỉ lát sau, tôi hiểu được phong tục của họ: Khi muốn đi đến Giọt nước
của nam giới, bạn phải đi qua Giọt nước của nữ giới (Có thể để phụ nữ
gùi nước về nhà gần hơn? Hay là thuộc về giáo dục…Tôi không chắc!) Và người ta
tắm thì tự nhiên, không mặc gì kể cả nam lẫn nữ. Nếu bạn muốn hỏi han chuyện
trò gì đó bạn cứ… thảnh thơi. Họ chỉ lấy bàn tay bịt chỗ ấy!...còn tay kia xin
bạn một chút…“xà bông” chẳng hạn. Nhưng hãy cẩn thận! họ là cảm nhận tư tưởng,
ý đồ của kẻ khác rất nhạy bén…nếu bạn có chút gì…xao xuyến.
Tuy
vậy, các cô gái chưa chồng họ vẫn kín đáo hơn…Nhưng, chỉ hôm trước lấy chồng
thì hôm sau, cô dâu cũ có thể không cần phải mặc gì khi tắm. Nó giống như sự
thể hiện người đã có gia đình, người khác không nên…bén mãng.
Trong
các buôn làng ở xa trong rừng sâu cách biệt, thường…đàn bà không mặc áo, đàn
ông chỉ mặc khố, trẻ em chưa đến tuổi dậy thì…“nó”không cần phải che đậy. Theo
tôi, có thể vì thiếu thốn áo quần, nên Làng tạo ra qui ước chứ không phải là
phong tục…
Khi
giặt…vải, họ cũng sử dụng loại vỏ cây trong rừng đánh dập, tạo ra bọt giống như
xà phòng vậy. Hình như rừng cung cấp mọi thứ như thế giới chúng ta có. Từ các
loại cây lá chữa bệnh, làm thức ăn, men rượu, thuốc mê, keo dán, thuốc nhuộm,
chất độc...mà sau này tôi đã từng sử dụng hay nhìn thấy…
Hằng
ngày, có lẽ…nơi giọt nước là nơi tụ hội vui vẻ nhất ở buôỉ sáng tinh
sương và buổi chiều trở về từ nương rẫy…Họ vừa tắm rửa, vừa thăm hỏi, nói
chuyện lao xao về công việc. Nguồn nước lấy từ trong lòng đất nên nhiệt độ
chuyển mùa chậm…bạn sẽ cảm thấy mát lạnh vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông.
Một
buổi chiều Xuân nào đó, ngồi trên cao nhìn các nàng sơn nữ đang vui đùa hay hồn
nhiên khoả thân tắm, giặt giủ…với dòng nước róc rách trong veo, hoà lẫn với
khung cảnh nắng vàng nhấp nhô cỏ cây, hoa lá xôn xao, líu lo giọng cười khúc
khích với gió…bạn cũng sẽ cảm nhận như Tôi: Ôi...một sự sống động, cảm xúc
thiên nhiên đến tuyệt trần giữa rừng xanh hoang dã…
Cảm
ơn tự nhiên! Kẻ chán đời như Tôi, đã bắt đầu trở lại lãng mạn hồn nhiên tự thuở
nào…không biết?
..............................................................................................................(Còn
tiếp)
Rừng
núi hoang sơ...(2)
( câu chuyện đường rừng...)
(2)
Không
biết bạn nghĩ sao? Vì rất nhiều người có nhận xét về dân tộc họ là: Lạc hậu và
luôn luôn xem thường những phong tục, tập quán của họ…Riêng Tôi, yêu mến họ và
quí trọng nữa…Vì cách sống cũng là phương pháp giáo dục: Môi trường, điều kiện
sống ở đây là nhờ hoà hợp với thiên nhiên tồn tại của rừng núi. Quan hệ giữa
người với người, thú vật, cây cỏ…đều mang tính cộng sinh có giới hạn cân bằng.
Tính cách lịch sự không phải là nghi thức, mà là thực bụng (tấm lòng)…Và có lẽ,
hạnh phúc đối với họ không phải là điều xa xôi, bí ẩn…
Họ
lãng mạn từ hiện thực…họ tự nhiên trần truồng thân thể không ngại ngùng, nhưng
lại ăn nói gọn gàng tế nhị, không kiểu cách, không răn dạy…bởi họ không có ngôn
ngữ triết lý, chỉ có ngữ điệu đơn giản cuộc sống. Họ tôn trọng, bình đẳng từ
trong gia đình đến cộng đồng làng mạc…Và với một thời gian dài sống với họ, Tôi
chưa nghe một lời la mắng, răn dạy ồn ào nào cả. Một cuộc sống bình yên, chan
hoà, hoà bình…đáng ngạc nhiên?! Một luật lệ bất thành văn từ muôn đời…
Tôi
nhận thấy, đây cũng là lẽ tự nhiên khoa học giáo dục xã hội đấy chứ?...Tôi suy
ngẫm và xem xét lại tất cả những tư tưởng, quan niệm mà tôi đã học và đọc ở đâu
đó trong cuộc sống từ trước đến nay. Có thể đây là bản chất và tâm hồn thật của
con người, không hề bị áp lực từ quan điểm nào cả…
Tôi
ngỡ ngàng…vì mình đi khai hoá văn minh hay phải học lại nền văn minh của họ?
Chỉ chắc một điều: Muốn tồn tại giữa con người và thiên nhiên ở đây, Tôi buộc
phải học tập vốn liếng kỹ năng sống của họ.
Họ
sống đối xử với nhau từ trong ngôn ngữ hay mối quan hệ gia đình (mẫu hệ) quần
thể đều hoà hợp, không nặng nề lễ nghĩa, không cầu kỳ, không thị phi…Luật làng
hay cộng đồng phụ thuộc vào thực tế, không phân biệt…Điều đó đã nói lên là: Ở
nơi đây, người ta rất tôn trọng sự thật…Bởi vì khi phán xét một lỗi lầm nào đó,
thì cả hai bên sẽ cùng đi đến một sự đồng lòng không ràng buộc. Nhưng ý thức
trung thực và trách nhiệm làm mọi người phải thực thi như là lẽ đương nhiên…nếu
không sẽ bị cô độc.
Có
thể nói, sự phân công trách nhiệm công việc của đàn ông, đàn bà trong cộng đồng
và gia đình là rất rõ ràng (tương đối). Nữ thì làm các công việc liên quan đến
bếp núc như trồng trọt, củi nước, nấu nướng làm rượu…Còn nam giới thì khai
hoang, săn bắn, làm nhà, phục vụ cộng đồng, chiêng cồng…Nếu thanh niên lớn lên
muốn lập gia đình, thì nam phải biết đan lát vật dụng trong nhà, nữ phải biết
sử dụng rìu chặt phẳng hai đầu củi cho…đẹp.
Tình
yêu nam nữ tự do lựa chọn, không hề phân biệt…vì ở đây không có giai cấp, giàu
nghèo, đến với nhau do tự nguyện. Nếu bạn lỡ ngủ với cô gái nào đó! thì bạn
phải cưới họ…nếu không bạn sẽ bị bồi thường bằng vật chất (Bò, heo gì đó…)mà
làng buộc theo qui định và xin lỗi trước làng. Giá trị tài sản phạt giống như
bạn ly dị vậy…
Xã
hội mẫu hệ cho phép người phụ nữ được quyền lợi và tôn trọng hơn, con cái lấy
họ mẹ…Nhưng trách nhiệm tề gia, nội trợ, công việc trồng trọt, nuôi dạy con cái
cũng thêm gánh nặng vai họ. Nên không ngạc nhiên khi hầu hết những người phụ nữ
ở đây, có vẻ tài giỏi, chịu khó, năng động và chững chạc, quả quyết hơn trong
công việc.
Khi
người vợ chết đi thì người em gái phải thay vào chỗ của chị mình là lẽ đương
nhiên, gần như đã thoả thuận trở thành tập tục(trừ trường hợp đặc biệt). Vì họ
cho rằng: Không ai thương cháu bằng Dì…Thỉnh thoảng Tôi cũng gặp nhiều người
bạch tạng, da tóc trắng xoá vì bị đồng huyết trong hôn nhân. Nhưng tôi cũng
nhận ra, vơi sinh hoạt xã hội, đời sông như thế này, có lẽ…người phụ nữ quan
trọng hơn.
Những
thức ăn họ sử dụng phần lớn là nhờ vào thiên nhiên: Từ rừng và sông suối. Tôi
đã tham gia sản xuất trồng trọt tập thể cùng họ, đôi khi ở lại trên rừng nhiều
ngày để khai hoang một khu vực mới. Trên một thửa đất, họ trồng đủ loại từ lúa,
ngô, sắn cho đến các loại gia vị khác…
Nếu
một lúc nào đó, bạn lỡ đường đi qua, bụng đói thì có thể la lớn “cho tôi xin”
sau đó bạn tuỳ tiện hái ăn những gì bạn muốn, dù không có ai…nhưng nếu vô tình
họ phát hiện ra bạn không làm như vậy…thì sẽ gặp phiền phức, dù bạn đi đến ngôi
làng đó cách cả ngày đường…(họ yêu cầu bạn lịch sự và tôn trong).
Những
cuộc đi săn thú rừng hay cá, ếch trên sông, suối, thác ghềnh…Tôi đều tham dự.
Mỗi đối tượng đi săn đều có mùa vụ. Những nguyên tắc, kỹ thuật và dụng cụ, tục
lệ, qui ước khác nhau…nhằm loại bỏ những nguy hiểm không cần thiết và hiệu quả
hơn.
Kỷ năng săn mồi của họ rất đặc biệt, họ hiểu những quán tính loài vật
trong rừng, biết sử dụng đôi tai và mũi ngửi để xác định mùi của loài thú đi
qua. Họ biết sử dụng chó để bao vây loài nhím, sử dụng thuốc mê để thuốc thú
trong hang và một loài cá đắng, khó bắt trong các ghềnh vực… Những khu vực có
thú dữ họ không xâm phạm, giống như đã thoả thụân với nhau vậy, trừ khi loài đó
xâm lấn vào lãnh thổ an toàn của họ, thì Làng buộc phải tìm cách tiêu diệt.
Chỉ
có loài lợn rừng là tàn phá mùa màng của họ nhất! Những ngôi làng gần biên giới
cứ đến mùa nước hạ…là từng đàn lợn rừng bơi qua sông. Chỉ cần một đêm chúng nó
đến nương rẫy nào là ở đó tan hoang, không cây lương thực nào còn lại…
Tôi
đã từng tham gia cuộc săn lùng đàn lợn rừng đông đảo về tàn phá mùa màng, lương
thực của các buôn làng xung quanh. Vậy là họ liên lạc hợp tác với nhau, gần nữa
tháng trời ăn sương nằm đất, mới vây tròn được đàn lợn rừng vào một khu đồi lớn
có mặt bằng, thưa cây…rồi rào khép dần lại một cách chặt chẽ, vững chắc.
Trong
quá trình vây đuổi, những người tham gia không được ăn thịt động vật, không đàn
hát (có ý nghĩa…chia buồn cho đàn lợn, hơn là kiêng cữ). Sau khi hàng rào làm
bằng cây rừng được kiềm tra kĩ lưỡng, người ta phân công những người can đảm,
nhanh nhẹn, mạnh mẻ…sử dụng giỏi những vũ khí ngắn (dao, rựa, mã tấu) vào trong
khu vực để đối diện tấn công bầy lợn…cũng đang chuẩn bị phòng thủ.
Những
người đứng bên ngoài hàng rào phân đều các khoảng cách, sử dụng các cây lao dài
bằng lồ ô vót nhọn chờ sẵn. Vài người sử dụng súng, nỏ…đứng trên chòi cao để dể
quan sát, không bị lạc đạn. Họ thường là nhưng tay súng thiện xạ, chỉ nhắm vào
những con hung hãn to lớn…
Thế
nào? bạn thấy họ tổ chức rất tốt phải không…Họ tấn công từ tâm điểm vòng rào,
bằng thế vòng tròn toả dần ra vòng tròn bên ngoài chờ đợi…Thế là tiếng người
tiêng lợn rừng, tiếng người la hét, tiếng huỳnh huỵch, tiếng súng vang động cả
góc trời. Cuộc tấn công dữ dội từ trưa cho đến chiều tối…những chiến lợi phẩm
được chia đều. Tôi không thấy bóng dáng bất kỳ một người phụ nữ nào có mặt tham
gia cả…
Thịt
thú rừng nhiều ăn không hết, họ treo lên giàn bếp nhờ khói và sức nóng hong
khô. loại củi họ sử dụng đun nấu gần như có quy định lựa chọn…tuy vậy, nếu
không quen bạn khó chịu nổi sự bốc mùi thịt thối…
Quan niệm về vệ sinh? thật ra, không khác biệt gì nhau,
chẳng qua cách sử lý khác nhau mà thôi. Nước mà bạn đã đun sôi, không có nghĩa
là tốt hơn nước họ lấy từ thiên nhiên trong sạch (không mùi vị lạ) đã lọc qua
lòng đất mà họ đã kinh nghiệm lựa chọn. Cái mà bạn bịt mũi với thức ăn của họ,
thì có những thức ăn của bạn họ cũng dị ứng như thế! Chẳng qua là thói quen,
nhu cầu thích hợp. Quan điểm sống hay chín, thơm hay thối…mỗi môi trường sống,
phần lớn đều phụ thuộc vào thực tế (khoa học tự nhiên)…sự hợp lý dễ hiểu phải
không?
Về
sau, có nhiều y sĩ, giáo viên đến các làng truyên truyền vệ sinh thực phẩm, vệ
sinh thân thể, dạy họ phải uống nước đun xôi, cắt tiết động vật, dùng muỗng đũa
khi ăn, tắm rửa bằng xà phòng, móc màn khi ngủ…v…v…
Không
những họ không nghe theo, mà chính tôi cũng ngạc nhiên.Vì sao?…Vì khoa học cuộc
sống, luôn phụ thuộc vào thực tế…Môi trường họ sống rất trong sạch từ không khí
đến nguồn nước, không chỉ thói quen, mà họ có thể cảm nhận qua mũi và lưỡi…
Chúng
ta đến với núi rừng được trang bị rất nhiều…nhưng rồi không ai tránh được những
bệnh sốt rét, vàng da…chẳng qua là nặng hay nhẹ. Trong khi họ, rất hiếm người
bị bệnh như vậy. Muỗi ít khi tấn công họ, dù họ không mặc áo quần. Họ uống nước
có lựa chọn, không uống nguồn nước lạ…Những buôn làng được chọn theo vị trí và
hướng nắng, gió hợp lý…bếp lửa đốt cháy suốt đêm.
Cơm
gạo và thức ăn của chúng ta, họ dùng không ngon miệng, nhiều người không chịu
nổi mùi nước mắm. Nếu bạn thấy ghê, nhợn…khi họ ăn thịt chuột, bởi vì bạn không
biết đó là loại chuột rừng, chuột núi, chuột đồng. Không phải loại chuột như
bạn nghĩ…loại thịt chuột này còn thơm hơn thịt gà, nếu bạn không biết đó
là…chuột. Trong khi họ kinh sợ…nếu bạn ăn thịt chó hay dùng dao để cắt tiết các
loài vật bằng cái chết từ từ…
Ngay
ở thủ đô Viên-chăn Lào, Tôi cũng thấy người ta ăn bốc bằng tay, kể cả các nhà
hàng quốc tế sang trọng khi dùng cơm (nấu cách thuỷ)của họ. Vì vậy bạn sẽ không
ngạc nhiên khi bước vào trước hàng quán nào cũng thấy nước rửa tay và khăn lau
(Chắc không ai để móng tay dài). Trong quán phở hầu hết họ ăn sống tất cả các
loại rau…
Cơm
(gạo) của Lào hay các dân tộc vùng tây nguyên đều khác nhau...nhưng có điểm
chung là thơm ngon, nấu không xới, có thể kết thành từng khối, nắm không dính
tay. Bạn sẽ không tìm thấy hạt cơm cháy nào cả, với kỷ năng nấu nướng của họ…
Ngoài
ra, mỗi khi mờ sáng bạn đều nghe tiếng chày giã gạo dùng cho cơm ngày của mỗi
gia đình…nó báo hiệu trước cả khi gà gáy sáng rộn lên một ngày mới…Với Tôi nó
là âm thanh vang lên một ngày thanh bình…một khung cảnh đặc biệt khi vầng ánh
dương xuất hiện, soi dáng đứng, động tác nhịp nhàng tuyệt đẹp luân phiên giã
gạo của những người phụ nữ miền sơn cước…
Cái
quí nhất trong đời sống miền rừng núi phụ thuộc vào thiên nhiên của họ không
phải là vàng, bạc…mà là chiêng cồng, dụng cụ lao động: cuốc, dao, rìu và xoong
nồi nấu nướng…Các vật dụng đó! bao giờ cũng sắc bén, sáng bóng, sạch sẽ hơn…của
chúng ta, bạn khỏi lo…vệ sinh.
Bữa
cơm hàng ngày chủ yếu của họ là cơm và món canh đặc nấu lá sắn(mỳ)với gạo giã
nhuyễn. Bạn sẽ cảm thấy vô vị, khi tự mình nấu ăn, nó như…rơm. Thức ăn của
chúng ta thường phải nêm gia vị (chủ yếu bột ngọt). Trong khi họ không có gia
vị đó, nếu nấu như chúng ta chắc là quá…tệ.
Lần
đầu tiên khi ăn thức ăn do họ nấu nướng, Tôi quá ngạc nhiên…vì ngon là lạ. Có
nghĩa là họ có kỹ thuật chế biến và nấu khác chúng ta. Thì ra, họ vo bằng tay
hay giã lá mỳ cho bóc lớp vỏ dai bên ngoài và nấu lâu vừa đủ nhuyễn, nên vị nó
ngọt đắng rất đặc trưng, khó nhầm lẫn thức ăn khác. Những món ăn hằng ngày này
không bao giờ chán và không thể thiếu… Những vùng không cây sắn nhiều, họ có
trồng một loại cây rừng lạ, nhưng lá của chúng cũng mang hương vị gần giống như
vậy…
Sau
này khi tra cứu, Tôi mới biết được thành phần trong lá mỳ là nhiều vitamin b1
nhất…Bạn có thể ăn ngon kể cả khi bạn nhạt miệng vì bệnh. Các loại củ quả Bầu,
bí, mướp…đều có giống đặc chủng và hương vị khác chúng ta…nên nấu ở một mức độ
nào đó, nó trở nên đậm đà, có mùi hương đặc biệt…
Các
món khoái khẩu của họ thường mang vị đắng: Lá mỳ, cà đắng, cá đắng…Hình như các
loại thịt thú rừng: Nhím, gà rừng, heo rừng, mang. Tê tê…phù hợp với các loại
thực vật trên…
Và
thường: Từ thức ăn, rượu cần, thuốc lá xanh…cũng nói lên ít nhiều tâm sinh lý
của họ: Tính đơn giản…nhưng nghiêm túc trong cư xử, hành động...
Họ rất thích hội hoạ và âm nhạc…và có thể ca hát nhảy múa
suốt đêm. Đó cũng là cơ hội, điều kiện để người ta sống chan hoà, gần gũi với
nhau hơn và đâu đó cũng khởi nguồn cho đạo đức tâm hồn…Tôi cũng thử học chơi
tất cả những nhạc cụ thô sơ làm bằng vỏ bầu và ống lồ ô, chiêng cồng…mà họ
thường sử dụng tập thể phối từng chiếc một (nốt nhạc) thành một chu kỳ điệu
nhạc nhảy múa lễ hội, ma chay…âm thanh vang xa giữa không gian, dịu dàng lên
cao xuống thấp, không buồn, không vui, nghe miên man…lạ lẫm, thật hay khó diễn
tả…Không biết người khác thì sao? Riêng Tôi có thể ngũ yên bình trong tiếng
nhạc chiêng cồng đều đặn suốt đêm, dưới ánh trăng mờ đục…
Những điệu nhảy tập thể của người dân tộc tây nguyên có khác nhau…nhưng có điểm
chung là động tác chính xác theo nhịp mạnh. Họ sử dụng: Cả đầu, cổ và các khớp
tay chân, mông, ngực…Đẹp nhất là dáng đi của họ nhìn từ đàng sau.
Theo Tôi người dân tộc Jarai sử dụng nhạc chiêng cồng, cách múa của họ là thuần
chất, đặc trưng và dễ cảm nhận nhất. Những sáng tác trình diễn nghệ thuật của
họ rất rõ ràng nội dung công việc, hành động qua từng động tác…Rất tiếc, các
sân khấu lớn trong nước, Tôi chưa thấy điệu múa nào thật sự của họ. Có lẽ, vì
cải biên, chấp vá…và diễn viên không biểu diễn được động tác chính xác đam mê
như họ…
Trong buôn làng tận rừng sâu, họ múa tập thể...nam nữ cầm tay nhau hoặc ôm hông
(eo) nhau, bước đi rất nhịp nhàng, yên lặng trong say mê, bập bùng ngọn lửa,
tranh tối tranh sáng …những đôi mắt long lanh say men rượu cần. Khi ấy, ta thấy
họ thân thiện và đẹp hoang sơ đến lạ lùng…
Nét đẹp tượng trưng cho mỗi dân tộc thường vẫn có cái gì đó khác nhau. Nàng sơn
nữ xinh đẹp của núi rừng tây nguyên thật khó diễn tả…Hẵn nhiên tôi thấy họ đẹp
tự nhiên nên vững bền: Mái tóc bềnh bồng hoang dã và đôi lông mi dài thường
cong vút lên, vàng hoe đầu ngọn lơ thơ theo nắng gió, đôi mắt có nhiều nàng
xanh thẳm, hiền hoang dại, vô tư…Với thân hình rắn chắc, bước đi chuẩn mực,
nhanh nhẹn rất uyển chuyển nhẹ nhàng trên lối mòn giữa rừng chiều…Bạn sẽ có cảm
giác nổi lòng rung động, thương vay một loài hoa dại đến từ thiên nhiên
xao xuyến đẹp diệu kỳ …
Những
tranh vẽ và điêu khắc của họ chỉ mang tính ước lệ đơn nét…nhưng tính cách
điệu rất cao, ít màu sắc. Thường chỉ thể hiện trên đất, đá, cây…hoặc trang trí
viền nơi dụng cụ đan lát, mây, tre, nứa…Riêng điêu khắc thấy trong các nhà mồ
hay trong nhà rông (nhà chung của làng)…
Năng
khiếu âm nhạc của họ là điều đáng ngạc nhiên nhất! Những buôn làng đã tiếp cận
với nền văn minh người kinh, Pháp, Mỹ…cho ta thấy rõ điều đó hơn. Họ chơi một
cách tự nhiên, đam mê, thiện nghệ các loại nhạc xứ châu mỹ, châu âu… nhất là
dòng nhạc Rock hay tình ca Pháp. Nhờ ngữ điệu, ngôn ngữ tương đương nên họ phát
âm chuẩn xác, cả âm gió và rung độc đáo hơn chúng ta nhiều…
Chỉ
có tục lệ chôn người chết là hơi…kỳ dị. Một khu nhà mả chỉ vài ba túp lều cho
mỗi giòng họ chôn chung với nhau. Những tượng nhà mồ khắc gỗ mang nhiều sắc
thái kỳ quái, sợ hãi…nếu bạn cảm nhận theo cách đó. Nhà mả làm gần làng để dễ
cúng ma, chăm sóc. Khi đến một thời hạn nào đó, họ sẽ bỏ nhà mả cũ, làm nhà mả
mới. Có lẽ, do bị đầy hòm (đẻo rỗng thân cây) vì chôn chung nhiều người…Khi Tôi
hỏi, có người nói: Người chết không xâm chiếm đất đai, nhà mồ là của chung (?).
Trong
các dân tộc tây nguyên thì các dân tộc Triêng, giẻ…vùng Dak Pley chôn người
chết có vẻ tàn nhẫn và quái gở nhất. Họ “chôn” xác chết trên một cái giàn làm
bằng cây để cho tự huỷ hoặc làm mồi cho chim chóc…Ở đây, người chết phải trả
lại thức ăn cho các loài chim, thú nhỏ leo trèo được (?).
Bạn sẽ ngộp thở trong môi trường sống như vậy. Tôi có cảm giác, hình như họ
không có cảm giác gì mùi thối của xác chết động vật, trong khi khứu giác của họ
rõ ràng ngửi mùi tốt hơn chúng ta. Đây là điều mà Tôi khó hiểu nhất về...quan
điểm xúc giác của họ…
Tất
nhiên, là mọi tập tục đều do tư tưởng, quan niệm dẫn dắt…cũng như họ sử dụng
tất cả cái gì có thể, để gõ ra âm thanh chỉ để xua đuổi con “gấu”cho đến khi
nào nó thôi “ăn” mặt trăng trong đêm nguyệt thực. (còn tiếp)
Rừng núi hoang sơ...(3)
(Câu
chuyện đường rừng...)
(3)
Dak
Plei là vùng đất xa xôi nhất nằm ở phía bắc tây nguyên, có ngọn núi cao Ngọc
Linh (khoảng 2.600m ), những năm nhiệt độ hạ có thấp có thể thấy tuyết rơi. Nơi
đây có loài Sâm quí, nhưng núi rừng quá hiểm trở…Những tàn lá rừng dày đặc, lớp
phủ bì thực vật dày mặt đất với rừng le bạt ngàn…nên các loài ruồi vàng,
muỗi , vắt…sinh sôi nẩy nở đúng môi trường của chúng. Khi đi qua những khu rừng
như vậy chúng ta không biết cái gì nằm ẩn dưới lớp lá mỗi bước chân…Đây là vùng
rừng có nhiều khả năng nhiều loài gấu và loài trăn, rắn sinh sống…
Người
dân tộc ở đây, họ dùng gạo hạt to, rất cứng, nấu lâu chín nên đỗ nước nhiều,
nhưng khi ăn thì rất ngon và thơm. Nhiều nhất là Măng le, nó mọc đầy rừng…Cả
tháng trời ở nơi đây, Tôi căng thẳng nhất là mùi hôi của xác chết, bọ chét nhảy
lăn tăn trên mặt đất. Nhưng cũng thật lạ, chỉ vài ngày đầu…vài ngày sau chúng
không tấn công nữa, nếu chúng ta không đến nơi ở mới…
Thường, bạn có thể đối chọi với loài thú lớn hoặc tìm cách đề phòng, né
tránh…nhưng bạn không thể chiến đấu với kẻ thù bé nhỏ tấn công mình đông đến
hàng triệu con. Chống sự tấn công của loài ruồi vàng, muỗi độc chúng ta có thể
che kín thân thể bằng các đồ bảo hộ…nhưng khi băng qua khu vực nhiều loài vắt
(đĩa trên cạn, trên lá) dù bạn chạy nhanh với tốc độ nào chúng vẫn búng theo
hoặc bám lấy được. Nếu bạn leo lên được một tảng đá giữa dòng suối thì không có
nghĩa là đã được an toàn, vì chúng có thể bơi qua nước. Khi ấy, nếu bạn quan
sát chu vi xung quanh thì sẽ thấy hàng triệu con ngo ngoe đánh hơi tiến về phía
mình…chắc chắn bạn cảm thấy khủng hoảng, sợ hãi thế nào…? Những vết thương của
các loài ruồi muỗi, vắt đó …đôi khi làm lở loét đau đớn, lâu lành. Bạn nên tìm
các lối mòn của người dân tộc mà đi thì tránh được nhiều tai nạn hơn…
Trong
khi người dân tộc sống gần các phố thị chúng ta. Họ thường theo tín ngưỡng tôn
giáo đạo Thiên chúa, Tin lành…Nhưng đạo Tin lành phù hợp với quan niệm, tập tục
của họ hơn. Còn những vùng xa họ tin vào “Giàng”(trời) và cúng cả hồn người
chết. Nhưng họ không hề sợ bóng tối và hồn ma…
Bạn
sẽ ngạc nhiên, có một chút cảm giác lành lạnh khi nghe những người phụ nữ ngồi
bên cạnh nhà mồ trong bóng tối để khóc chồng con đã chết…cho đến khi có ánh
sáng mặt trời lên, liên tục hằng tháng trời. tiếng khóc bằng giọng đều dều,
triền miên theo nhịp điệu, từng hơi dài, như tiếng kinh cầu…lên xuống vang xa
như có ma lực len lõi đến mọi ngóc nghách trong không gian, băng băng giữa rừng
núi đồi, nghe như lời tự tình, vừa hoài vọng, vừa bi thiết…một thanh âm rất đặc
biệt, rất giống nhau, khó phân biệt người này hay người khác…
Từ thuở bé Tôi đã rất tò mò, muốn tìm hiểu để biết thực
hư…có sự tồn tại linh hồn hay ma quỷ sau cái chết của con người. Mặc dù đã đọc
các loại sách khoa học thế giới tổng kết nghiên cứu “Sự tồn tại không sau cái
chết”bằng những thiết bị đo đạc tinh vi…hay thực tế tham gia cầu cơ, lên
đồng…hoặc rình rập những nơi nổi tiếng có ma quỷ ẩn hiện…nhưng những tác động
về cảm giác thì có, còn tác động đến vật chất thì…chưa có gì thật sự quan
trọng.
Sự
thật, Tôi cũng không biết mình là người can đảm hay liều lĩnh…Nhưng ít nhất Tôi
cũng biết xác định được vài hiện tượng giữa mơ hồ và hiện thực, giữa tâm linh
và vật chất. Quan trọng hơn Tôi muốn chiến thắng sợ hãi của chính mình…
Thật
lạ lùng là…sự tin có linh hồn hay ma quỷ nó tồn tại nơi này lại không tồn tại ở
nơi khác. Khi Tôi hỏi những buôn làng nằm sâu trong rừng, chưa ảnh hưởng của
thế giới “văn minh” của chúng ta, thì họ không hiểu , không biết và chưa thấy
bao giờ…cả ngôn ngữ “ma”cũng chỉ là xác chết bất động. Vì vậy, họ chôn xác
chung với nhau hoặc để cho các loài chim muôn ăn thịt …không ngần ngại.
Có
lẽ, họ nghĩ rằng khi chết “linh hồn” sẽ về trời, không liên quan gì đến thân
xác, không ảnh hưởng, liên quan đến người sống…Mặc dù, họ tin vào bùa ngãi
(Thư, yếm) kỳ bí và cúng ma các ngõ đường vào làng. Họ nói đến “ma rừng” nào
đó…chứ không nói đến “ma người”…
Tôi
không biết “Ma rừng”có phải là hiện tượng, là loại “người thú” đã được nói đến
trong câu chuyện “Cô gái xà niêng” (của tác giả Vũ Hạnh) mà người dân bản địa
(buôn ma thuột) thường gọi đó là “Quỷ xà niêng” và trong những câu chuyện “rừng
núi tây nguyên” cũng có vài người nhận dạng chúng khi băng qua dãy trường sơn
trong chiến tranh…Nhưng khi nghe kể những câu truyện như “truyền thuyết” về núi
rừng tây nguyên xa xưa, họ đều mô tả có một giống sinh vật gần như con người về
hình dạng, đầy lông lá, nhỏ bé hơn…lẫn khuất trong rừng, rất nhanh nhẹn, thường
né tránh con người. Có thể “ma rừng”là sinh vật này sau khi chết…?
Những
chuyện ma thiêng, nước độc hay “ngậm ngãi tìm trầm”ma só, rừng thiêng…(của Lan
Khai) của rừng núi phía Tây bắc…ở tây nguyên không có. Vì tây nguyên rừng núi
bạt ngàn đa dạng sinh thái, nhiều vùng bằng phẳng rộng lớn, các thú rừng có
những khu vực lãnh địa riêng. Người tây nguyên hiền hoà, chân thật…cả với những
điều huyễn hoặc, mê tín. Họ không đem thần linh ra so sánh với con người, những
điều họ kiêng kị thường chỉ nghiêng về phép lịch sự(tôn trọng). Sự tín ngưỡng
với họ không quan trọng bằng kiến thức, lòng tốt của bạn…Vì nơi đây, trước kia
không có giai cấp thống trị nào cả “Vạn vật đều hữu linh”không riêng gì con
người, thần thánh. “Vua” lửa…thực tế không có quyền hạn thế tục và chỉ là…túp
lều thờ đơn sơ.
Nhưng
một điều lạ…là các buôn làng ở gần các địa danh nổi tiếng chiến sự hoặc buôn
làng gần khu vực người Kinh…thì có nhiều người khẳng định là đã nhiều lần thấy
“Ma”theo ngôn ngữ chúng ta…
Sự việc
là…một hôm Tôi đến công tác kiểm tra Bổ túc văn hoá ở một làng chỉ cách xa thị
xã khoảng 70 km đường chim bay. Đây là khu vực đã tiếp cận với nền văn minh
Pháp, Mỹ…Vì vậy, ở đây nhiều người lớn tuổi hơn tôi có trình độ văn hoá cao, có
nguồn sách báo cũ chữ bana, jarai…vài người thông thạo cả 2 ngoại ngữ Anh,
Pháp…
Các
làng này đã thiết kế đường xá đi lại trong thôn, mỗi hộ tách rời thửa đất
riêng…Nghĩa là họ đã biết phân chia tài sản đất đai. Nhưng cũng chính vì lẽ đó
khi đi từ nhà này sang nhà khác mất một đoạn đường rất dài. Về đêm, với không
gian xa cách như vậy…Bạn sẽ có cảm giác cô độc, vắng vẻ…không như các buôn làng
trong rừng sâu…nhà san sát, gần gũi không ranh giới, nhìn đâu cũng thấy ánh lửa
bập bùng ấm áp…
Một
buổi tối, Tôi muốn đi tắt ngõ sau vườn nhà cho nhanh đến buổi họp làng. Khi mới
ra cổng, đến gần bụi cây rậm rạp…Bỗng một hơi gió thổi nhanh làm lạnh cả sống
lưng, cây đuốc đang cầm trên tay vụt tắt. Tôi vẫn bước đi không dừng lại…một
quãng Tôi lại đốt đuốc và bình thường đến buổi họp…
Sau
buổi họp, trước khi ra về Tôi kiểm tra lại cây đuốc người chủ nhà…và ngạc nhiên
với loại dầu đặc biệt của loại nhựa cây rừng này rất khó tắt, cả lúc trời mưa
gió không đáng kể. Bước ra khỏi nhà Rông Tôi càng ngạc nhiên, vì đây là những
ngày lặng gió, trăng mờ hơi sương, đom đóm lập loè dày đặc…
Nhưng
chỉ là thắc mắc thế thôi, không suy nghĩ gì. Chào mấy người cán bộ xong, Tôi
quay về đường cũ. Có một anh cán bộ gọi giật lại và chỉ cho Tôi lối về khác.
Nhưng Tôi biết lối đó hơi xa, nên Tôi từ chối, bước đi nhanh về đường cũ…
Khi
đi gần đến lùm cây, Tôi mới ngạc nhiên…vì qua bóng sáng của nền trời Tôi
nhận ra được nơi cơn gió mạnh đã làm ngọn đuốc tắt là một bụi le rừng, nhưng nó
to cao và rậm rạp hơn những bụi Tôi thường gặp…Tôi chợt nghi ngại bước
chậm lại và rà soát lại các sự kiện bất thường: “Cơn gió quá lạnh, cử chỉ và
lời nói lo ngại của người cán bộ…” Tôi lờ mờ hiểu ra điều gì đó không bình
thường, nhưng không nghĩ đến chuyện ma quỷ.
Mặc
dù, tim bắt đầu đập nhanh…nhưng Tôi vẫn thủ thế bước tới và vận dụng tất cả hết
giác quan thính nhạy của mình để phòng thủ…Chắc bạn nghĩ rằng Tôi là người
can đảm? Không phải vậy…chẳng qua tuổi trẻ nhiều tự ái và nghĩ rằng nếu nguy
hiểm đến tính mạng thì người ta đã ngăn lại rồi! Vả lại, con đường này nằm giữa
buôn làng…không thể có thú dữ.
Khi
bước gần qua khỏi lùm cây…thì có cảm giác không khí đằng sau lưng xao động như
một cơn gió ập tới. Nhanh như chớp Tôi quay lại…bung cây đuốc thành một vòng
tròn che chở mình. Tôi thấy hình như có một khuôn mặt và đôi mắt xanh lè, cái
bóng đen to lớn che cả bầu trời phía sau nó…
Không
kịp suy nghĩ Tôi Gừư…lên một tiếng bằng mũi như khi gặp thú dữ. Đưa ngọn đuốc
lao tới đâm thẳng vào khuôn mặt không rõ ràng đó…và vội rút lại đưa đuốc
lên cao hơn để dễ quan sát…bóng đen thu nhỏ biến mất. Nhưng liền đó hơi lạnh
toả ra đằng sau lưng…Tôi quay vụt lại tấn công vào bóng đen mờ nhạt rất nhanh
và mạnh, nên đóm tàn lửa bay ra khỏi cây đuốc một đoạn xa…Tôi nhảy nhanh ra
khỏi bóng tối của lùm cây…cầm cây đuốc không lửa chém nhanh đảo vòng xung quanh
mình và lùi dần đến cổng…Ngồi xuống, thủ thế định thần nhìn lại…không thấy bóng
dáng nào cả. Vừa lúc đó người chủ nhà cầm đuốc ra đón Tôi…
Lúc
vào nhà, ông nhìn Tôi dò xét nhưng không nói gì. Hơn nữa ông nói tiếng Kinh
không thành thạo…Thật ra, đối với những buôn làng sát gần biên giới có giòng họ
bên campuchia hay những buôn làng có nền văn minh với người Mỹ, người Pháp hoặc
thân thiện với chế độ cũ (trước 1975)…Tôi rất cảnh giác, không để họ biết Tôi
hiểu được tiếng nói của họ…
Sáng
hôm sau, Tôi ra bụi cây le quan sát thật kỹ và kiểm tra cả địa thế…Thật lạ, mùa
thiếu nước mà bụi cây này vẫn xanh um, lại có cây, lá lớn gấp đôi so với cùng
giống bình thường. Đến đứng dưới tàn cây Tôi nghe hơi mát toả ra rất rõ ràng so
với không khí xung quanh…
Tối
nay, là buổi đầu tiên kiểm tra lớp học…Tôi trang bị giày và áo khoác phủ ấm, dù
trời không lạnh, tay cầm theo cây củi lửa than hồng đỏ rực. Rút kinh nghiệm
ngày hôm qua, vì ánh sáng đuốc làm chói mắt khó thấy rõ…Tốt nhất! là dùng mắt
làm quen với bóng đêm và nhờ ánh sáng bầu trời khi ngồi xuống có thể xác định
mọi khối vật rõ ràng hơn…
Dù
người chủ nhà nói với Tôi đi ngõ khác…Tôi làm lơ như không hiểu, vẫn đi ra
hướng đó…Thật lạ, Tôi không sợ loài thú lớn như Hổ, Gấu…khi trên tay có cầm cây
lao, hay vũ khí…nhưng, tôi lại sợ loài Rắn và Trâu “điên”…Vì Rắn thì khó phát
hiện ra chúng trước, lại có nọc độc nguy hiểm. Thường ban ngày chỉ gặp các loài
rắn không có nọc độc, nhưng lỡ gặp trên đường đi, có lúc những con rắn lớn, đầu
ngóc cao cả mét…chúng chủ động tấn công chúng ta và không chịu bỏ chạy. Đánh
nhau với rắn thì phải đánh trúng đầu, nhưng rất khó…vì đầu chúng luôn lắc lư
thủ thế và rất nhanh nhẹn, nó làm Tôi luôn bối rối, khủng hoảng. Còn loài Trâu
Tôi cảm giác, theo gió chúng cũng đã phát hiện ta từ xa…Hình như loài Trâu có
tâm tính bất thường, chúng rượt đuổi và tấn công rất dũng mảnh. Những con trâu
đã từng sống với người rồi, khi đi hoang lên rừng…thì đối tượng chúng nó đề
phòng chính là...con người. Theo kinh nghiệm của Tôi…Bạn đừng nhìn vào đôi
mắt của chúng, kể cả khi thấy nó ở đàng xa…Voi thì dễ phát hiện, chúng không
tấn công người khi có khoảng cách an toàn, nếu hành động của mình không làm
chúng…nghi ngờ.
Khi
bạn đi trong rừng cây lớn, thì dễ quan sát đề phòng và né tránh hơn là giữa
bình nguyên cây bụi, cỏ tranh…vì ta khó phát hiện chúng núp ở đâu?...Chỉ một số
vùng, loài Hổ mới tấn công bạn…bởi ở đó, chúng đã thưởng thức được thịt người.
Mang Giang, Đức Cơ, Pleime chẳng hạn..những nơi này trước kia nổi tiếng chiến
sự đẩm máu…Khi đi qua những vùng có cỏ tranh cao, rộng lớn bạn nên đi ngược
gió, thì dễ phát hiện ra mùi hôi của chúng mà đề phòng…
Ma…so với động vật, loài thú dữ Tôi ít sợ hơn. Vì theo thông kê trên thế giới
chưa ai chết vì…ma cả. Tôi nghĩ đó là loại vật chất khác…chẳng qua làm cho
chúng ta rợn tóc gáy, lạnh sống lưng do lạnh (âm khí tăng) đột ngột, khiến cơ
thể chúng ta thay đổi huyết áp và không chủ động được với những vật vô hình,
trở thành bị động…lo sợ.
Thuở
bé, nhà tôi ở một vùng quê miền trung…nhà cửa thưa thớt, đồng mông hiu quạnh.
Những đồi cát màu đất, thưa thớt những bụi hoa sim, hoa mắc cỡ(trinh nữ) nhỏ
bé…và những ngôi mộ xa xưa rãi rác bia đá tổ ong sần sùi, đen sẫm…Ở đây, chỉ
vài gia đình ở gần nhau nên rất thân thiện…chỉ nhà tranh vách nứa, cửa nẻo
chống lên đậy xuống…che bớt gió.
Những
người lớn tuổi…khi gặp sự kiện gì đó bất thường trong xóm như : Chó tru, mèo
trốn, gà không gáy…Họ mới nói đến chuyện ma và có phân biệt đẳng cấp và cá tính
như: Ma, quỷ, yêu, Tinh…Ma và Tinh thì hiền thôi. Ma là hình bóng của người đã
chết lang thang lúc ẩn,lúc hiện. Tinh thường xuất hiện ngồi hoặc đi thơ thẩn...mang
hình dáng một cô gái với bộ đồ trắng, chỉ một vị trí nào đó khi trời trăng
thanh gió mát…Còn Quỉ và Yêu rất phá phách trẻ em, dụng cụ gia đình hoặc hù doạ
người qua đường nơi chúng trú ngụ và quỷ dữ (theo họ) chỉ ở một nơi cố định có
bóng mát: Một cây cổ thụ hay một lùm cây rậm rạp tươi tốt…Ma cũng có từng loại
tên gọi…Chẳng hạn: Ma vương(cao lều khều), ma dza (dưới nước), ma chơi (hay hù
doạ), ma chó (hay cắn chân)…hoặc trẻ em bị dấu răng, môi in tím xanh bầm nơi má
sau một đêm ngủ, thì bảo đó là ma cắn (nựng, hôn)…nhưng không đau đớn gì,
khoảng một tuần thì hết…
Tuy
vậy, lúc bé Tôi thấy người lớn quát lên xua đuổi một cái gì đó…nếu “nó” ở trong
nhà mình, họ làm như đã quá quen thuộc. Người lớn chỉ khuyên trẻ em không nên
đến những nơi quy định có “người khuất mặt” giờ ngọ (trưa) hay buổi chiều tối…
Có
lẽ, thuở nhỏ cũng ở môi trường đó và nghe quen thuộc, nên Tôi bạo dạn hơn
chăng? Nhưng, đúng ra là vì quá tò mò muốn xác định thực hư mà thôi…nếu
thấy được ma là điều hi hữu cho riêng mình, cần gì ai phải tin…nhưng
cũng run thật!
....................................................................................................................(
Còn tiếp)
Rừng núi hoang sơ...(4)
(câu chuyện đường rừng...)
(4)
Suy nghĩ vậy…nên Tôi sẽ chủ động thách thức sự cảm nhận
của mình thử xem sao. Nhưng bạn đừng bắt chước Tôi, nếu bạn không đủ bản lĩnh
và sức khoẻ…tim, mạch.
Thế là Tôi
lấy…hết ý chí đi đến bụi le đó…nghiêng người từng bước chậm, rồi dừng lại. Hơi
lạnh phả ngay vào gáy làm Tôi rùng mình, nhưng Tôi đã trang bị giầy và áo lạnh…
nín thở, dùng nội lực gồng người (khi tắm nước lạnh, đầu tiên bạn cũng nên làm
như vậy), nghiến chặt răng, quay một vòng làm cho than củi vụt cháy bay những
tàn lửa xua tan bớt hơi lạnh, tiếng cây lá giật mình xào xạc. Tôi vẫn thủ thế,
thỉnh thoảng nhắm mắt để lắng nghe những tác động của không gian xung quanh. Có
lẽ tay chân đã nổi da gà…Tôi từ từ hít hơi thật sâu lấy thêm bình tỉnh chỉa
thẳng cây củi đỏ rực hướng về bụi cây bước tới vài bước, rồi dừng lại…vì nghĩ
rằng không nên có thái độ thách thức, Tôi thư giãn thả lỏng các cơ, rồi bước đi
như không có gì sảy ra…
Lúc
xong việc ở lớp học, Tôi quay về đường cũ và nghĩ rằng chắc chỉ đến vậy, nên
không lo lắng lắm…Tôi đã nhầm, vì khi cách khoẳng 5 mét, một bóng người hiện ra
đứng sừng sững cao lớn gần hai mét chận ngay giữa lối đi, dưới lùm cây bóng
tối, nhưng rất rõ ràng giữa nền trời sáng phía sau lưng “nó”…Tôi đứng khựng lại
vì hoảng hốt, tim đập nhanh, lạnh người sợ hãi…Tôi lùi vài bước rồi quay lưng
bỏ chạy. Nhưng theo quán tính như khi gặp thú dữ, vừa chạy vừa xoay người đề
phòng. Tôi thấy “nó” không rượt theo, nên dừng lại…
Không
biết vì tự ái hay nổi giận…và cũng nghĩ, biết đâu có kẻ khác ra đứng đó nhằm hù
doạ…cho kẻ lạ mặt xấu bụng đến làng hãi sợ. Tôi cương quyết quay lại, vừa
đi vừa đánh tạt cây củi cho ngon lửa cháy lên thành ngọn. Khi đến gần bóng đen.
Tôi thủ thế đưa cây củi lửa chỉa thẳng ra phía trước, bước chậm lại…xuyên qua
sáng mờ đục Tôi căng mắt…mơ hồ thấy một khuôn mặt kinh dị như những bức chân
dung vẽ người ma quái…nhưng có 2 đóm ánh sáng phát xanh dịu màu lân tinh…hình
như đang chớp mắt nhìn Tôi, không có gì là hung dữ…
Suy
nghĩ nhanh, Tôi gằn giọng vừa đủ “tránh ra” và nhảy đến khoảng cách giới hạn
cận chiến, đưa ngọn lửa sát đến bóng đen…Bóng đen như thu mình biến mất. Tuy
vậy, Tôi vẫn né vị trí đứng của “nó”tránh sang bên, đi thụt lùi và dáo dát nhìn
quanh cho đến khi bước lên bực thang vào nhà…
Ngày
hôm sau…có người con gái ông chủ nhà đi bộ đội, đang đóng quân đâu gần đó về
nhà chơi. Không biết trong nhà trao đổi với nhau điều gì? Tối đó, cô ấy đến
ngồi bên bếp lửa nói chuyện với Tôi. Đây là cô gái lớn hơn Tôi khoảng 1, 2 tuổi
chỉ có đôi mắt là còn chút…sơn nữ. Ngoài ra, từ mái tóc cho đến làn da mượt mà,
không có gì nắng gió…Nói tiếng kinh đa dạng ngôn từ, ít lẫn âm lơ lớ của người
dân tộc nói tiếng Việt.
Sau
khi hỏi thăm về công việc và nhận xét về trường lớp, học sinh ở đây của Tôi, cô
hỏi:
-
Thầy có tin và sợ…ma không?
- Sợ
thì có…nhưng tin thì mình…cũng không biết nữa..?
Cô ta
ngập ngừng một lát rồi nhẹ nhàng bảo:
-
Thầy…đừng đi ra cổng đường đó nữa. Không tốt!
- Sao
vậy?
-
Nghe nói…Thầy có gặp cái người chết, ở cái bụi le đó…?
-
Thế! bạn muốn nói đến …ma phải không? chuyện đó có thật à?
Cô
gái gật đầu…vẫn giọng đều đều kể chuyện:
- Từ
khi dời Làng đến đây…thì thấy rồi! Ai đi qua ban đêm cũng thấy…Có nhiều người
uống rượu về khuya, bị “nó”đuổi theo…la hét to cả làng nghe. Có người té gãy
tay, gãy răng…
-
Vậy…Ai chết ở đó?
-
Không biết…không phải dân tộc mình đâu…cũng không phải người Kinh. Chắc người ở
bên kia “nước mặn”…Biển đó! Làng cúng nhiều rồi…nhưng không hết.
- Vậy
sao không chặt bụi le đó đi…chắc là sẽ hết thôi…
Trong
khi cô con gái ngồi nói chuyện với Tôi hai ông bà chủ nhà cũng ngồi bếp lửa bên
kia theo dõi, lắng nghe. thỉnh thoảng cô quay qua hỏi bố mẹ, rồi tường
thuật lại cho Tôi hiểu. Những ý dịch thuật đều đúng cả…và thường theo ý của ông
bà:
- Kệ
“họ”…nhà của “họ” ở trước, mình đến sau. Đừng đi đường đó về…khi mặt trời lặn
là được…anh “thầy”không đi ra ở đó trời tối là được…
Thật
ngạc nhiên, những gì Tôi gặp và thấy đều giống như họ tường thuật, không thể là
ảo giác…và Tôi cũng chưa bao giờ để ảo giác làm chủ mình, nhất là trong trường
hợp chủ động và không gian thoáng như thế này. Phải chăng có “linh hồn” tồn tại
bằng vật chất (hình dạng) và ý thức (rượt đuổi). Đương nhiên vật chất hay ý
thức “ma” đó!...không được như con người. Nếu thế! hành động của “nó” không chỉ
đơn giản có vậy…chỉ cần không biến mất…lạng qua, lạng lại một lát…Tôi cũng hết
hơi đứng tim mà chết…vì nhiệt độ thay đổi, làm hành động con người bị hạn chế,
sợ hãi trong bóng tối...
Khi
Tôi hỏi cô ta có thấy”ma” bao giờ chưa? Cô gái lắc đầu:
-
Chưa…làm bộ đội thì không tin ma…nhưng những người già trong làng không bao giờ
nói dối con cháu đâu. Những làng xung quanh đây cũng có nhiều người kể lại…gặp
nhiều, khi đi bắt ếch các vũng trũng có nước…
Đây
là vùng đất nằm cách núi chưPao khoảng 20km...là cửa ngỏ, huyết mạch giao thông
giữa hai thị xã komtum và pleiku nên trong chiến tranh, nơi đây trở thành
trận địa tranh chấp quyết liệt, giao chiến của hai bên, người chết rất nhiều…
Điều
ngạc nhiên của Tôi là tại sao đi dần ra về các khu vực, ranh giới có nền văn
minh tiến bộ hơn hơn, người ta càng nhìn thấy và tin có…ma. Nói về hồn ma bóng
quế là điều Tôi có thể hiểu được, hoặc giải thích theo khía cạnh khoa học nào
đó! ở môi trường không gian đặc biệt nào đó…hay thuộc về tính chất hoá học.
Nhưng khi chúng tác động đến hiện tượng thay đổi vật chất là điều khó lý giải…
Chắc bạn cũng biết những hiện tượng Cầu cơ, lên đồng…nó
đâu chỉ xuất hiện ở xã hội chúng ta, mà ngay trong xã hội châu âu có nền khoa
học đã phát triển, tính cách và tư tưởng họ thực dụng…thế mà phần lớn cũng tin
vào thế giới tâm linh! Có khác nhau về hình thức nhưng hiện tượng, nhu cầu đều
giống nhau…
“Lên
đồng” là hiện tượng nhập xác để…bói toán, chữa bệnh. Tôi không quan tâm lắm, vì
cho rằng chỉ dành cho những người hèn nhát và thụ động với cuộc đời của mình.
Hơn nữa “trò chơi”này dễ lừa thiên hạ nhất, chỉ cần chút thủ thuật, diễn viên
giỏi, thông minh về tâm lý, đoán tướng số…Ngay cả trò “ngoại cảm” liên quan đến
nói chuyện với “linh hồn” Tôi cũng cho là phi lý còn hơn có xuất hiện “hồn
ma”...rõ ràng ít nhiều có sự lừa đảo,
thêm bớt cho…ly kỳ (phương pháp luận riêng Tôi). Vì nếu, nói chuyện với người
chết (Hồn ma) được…thì điều tra tội phạm có khó gì…?
“Cầu
cơ”…Tôi quan tâm hơn vì nó có tác động đến vật chất. Nhưng Tôi muốn tìm hiểu cơ
học nào đã làm nó (Con cơ) chuyển động…chứ không phải thông tin nói về quá khứ
hay dự báo tương lai (?). Có lẽ, cũng nói rõ cho bạn hình dung một chút về
phương pháp cầu cơ và vật dụng có liên quan:
Có
nhiều quyển sách chỉ cho cách bố trí và tổ chức “cầu cơ”. Nhưng so với các xứ
Châu âu, dụng cụ và cách cầu cơ ở chúng ta đơn giản hơn (do chiêm tinh gia
Huỳnh Liên viết): Với một bảng 24 chữ cái rời và một số chữ xác định vắn tắt:
Thần, thánh, ma, quỉ, yêu, tinh và thăng, giáng, đúng, sai…v…v…Con“cơ”(hình
trái tim)làm bằng ván hòm. Khi cầu, cũng có nhang, đèn…và bài chú thơ lục bát
dễ thuộc, nội dung là mời gọi nhập Cơ. Sự chuyển động con cơ là chạy ráp các
vần chữ khi nói chuyện với chúng ta…Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những
người thích cầu cơ là những thanh niên, trẻ tuổi…(Chắc họ muốn biết trước tương
lai).
Nhưng: Nói, kể, phân tích…vấn đề “trò chơi” này…Tôi khuyên bạn có thể, thử chơi
cho vui, nhưng đừng tham gia sâu vào thế giới đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc
sống hiện thực của bạn…và nguy hiểm nữa.
Từ năm
12 tuổi Tôi đã biết đến cầu cơ với những người lớn tuổi vì…tò mò. Vài lần đầu
khi theo họ ra vườn hay đến các nghĩa địa cầu cơ trong đêm khuya, thấy cơ không
lên…Mấy lần sau, họ đề nghị Tôi đặt tay vào “Cơ”thì chỉ sau vài lượt đọc Cơ bắt
đầu chạy. Thường 3 hoặc 2 người đặt nhẹ một ngón tay trỏ lên “con cơ”…
Có
nhiều sự phán đoán, suy luận về cầu cơ…Chẳng hạn: Do tác dụng não bộ điện từ
hoặc người ngoài cuộc cho rằng có kẻ đẩy cơ chạy. Riêng Tôi không có bình luận
gì…Nhưng vài năm sau khi đủ lớn khôn, Tôi đã thử nghiệm lại nhiều lần. Từ nhiều
người cho đến một mình Tôi đặt “cơ”, từ ngoài trời cho đến trong nhà. Cho đến
lúc quen thuộc không cần nhang, đèn…Chỉ đồng bạc kẽm thay “cơ”và không đọc hay
niệm chú gì, quăng xuống nền nhà…“Cơ” vẫn chạy…ro ro. Có đều chắc chắn rằng
không phải cố tình (người đẩy) mà cơ chạy được…
Trò
chơi “cầu cơ”là cầu hồn người chết nhập vào để hỏi, nói chuyện“chat”…cả quá
khứ, hiện tại và tương lai. Nó dễ làm người ta cuốn hút vào thế giới “ảo”…Nhưng
từ ảo sẽ có khả năng biến thành hiện tượng thật tưởng chừng như phi lý…có thể
ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của bạn…
Có
một lần cầu cơ…gặp “linh hồn” của một nữ sinh chết lúc 18 tuổi (theo lời “cơ”
nói) vì tai nạn giao thông do vô ý của người đàn ông lái xe Jeep, theo tán tỉnh
trên đường đi học về…Cô bạn gái hồn ma này! chạy cơ rất nhanh, tâm sự lời lẽ
rất hồn nhiên những câu chuyện về trường lớp, thầy cô, bạn bè và cả sở thích
con gái trong tình yêu nữa…Nhưng khi hỏi về tương lai, thì người bạn “hồn ma”
này chỉ nói là…“phán đoán mà thôi” không chính xác lắm!
Nói
chung, với “linh hồn”có cái tên rất đẹp và nữ tính này! Tôi khó tìm ra kẽ hở để
nghi ngờ như những “hồn”khác. Vì có thể kiểm tra nơi ở, trường học có bao nhiêu
cây phượng, vị trí của tai nạn sảy ra…Nơi mà tôi không biết rõ hoặc đến đó bao
giờ. Kể cả văn thơ, toán…lớp 11 “hồn ma”
đã học...Chính sự chân thật rất con“người” làm Tôi ngạc nhiên.
Hồn ma đòi
xưng “Chị” và khẳng định Tôi nhỏ tuổi hơn. Vậy là những lần sau, mỗi khi chỉ
nói lời mời là hồn tự động nhập vào “cơ”…Lúc nào cũng vậy, câu chuyện rất khó
chấm dứt! Trừ khi “chị” ấy khuyên Tôi đi ngủ vì đã quá khuya. Sự thân tình
không chỉ nhờ vào những câu chuyện lý giải thông minh mà còn là chuyện đời
thường và những thắc mắc của Tôi về thế giới “linh hồn”…
Nhưng, khoảng một thời gian sau đó…bắt đầu chuyện bí hiểm sảy ra, khi có một
linh hồn“Quỷ” lộng hành phá đám, gây ra nhiều hiện tượng kỳ quái, cũng làm cho
Tôi dao động, lo lắng nhiều hoảng sợ…
Nhưng
khi kể chuyện này…xin các bạn hãy xem như Tôi đang sáng tác truyện…thần thoại:
Lúc
bấy giờ, Tôi tham gia sinh hoạt đoàn thể trong Gia đình phật tử ở một ngôi chùa
nhỏ gần đó. Sau một đêm ở chùa về Tôi rũ thêm 2 người bạn lấy bàn cơ ra
để nói chuyện cho vui, nhưng vừa vào được vài phút thì cơ đứng lại không chạy nữa.
Đang ngạc nhiên…thì cơ nhập lại, nhưng “nó” chạy vào từng chữ chẳng có nghĩa
gì? Rồi chạy vòng tròn lung tung…Chúng Tôi dừng lại và chờ đợi…nhưng mỗi lần
đặt tay vào là nó cũng cứ chạy loạn xạ…
Qua 2
đêm như vậy, Tôi có cảm giác nghi ngờ về lối đi, cũng như tốc độ khác lạ…nên
ngày hôm sau nữa, Tôi “chơi cơ” ban ngày…và chỉ vài phút sau, hồn “chị” nhập
vào cho chúng Tôi biết: Có một hồn khác đánh đuổi, không cho chị ấy nhập
vào…Nguyên nhân là một đêm nọ, thấy chúng Tôi đi đến chùa. “Chị”vội đi theo đến
đó nên không biết ở trong chùa nơi gác chuông có một hồn đã thành quỷ đã ở đó,
Ông ta lúc chết khoảng độ 40 tuổi và bị cụt mất một chân… “Thấy chị theo các em
về”nên bám theo hồi nào không biết, lúc nhập vào “cơ” thì hồn “ông ta” xuất
hiện nên đành “thăng”mà chạy…
Tối
hôm đó, chúng tôi cầu cơ tiếp thì “ông ta”nhập vào cơ…Chào hỏi gì cũng không
trả lời…chạy lung tung như không biết chữ. Tất nhiên, chúng tôi rất nhẹ nhàng
lịch sự với “ông ta”và yêu cầu để chúng tôi nói chuyện với hồn của“chị”,vì đã
có tình bạn nhau…nhưng “nó”cứ chạy qua chạy lại…
Sáng
hôm sau, chúng tôi gọi tên “chị” vào cơ…và hỏi kỹ rất nhiều chuyện nhằm hoá
giải sự phá phách của “lão quỷ”kỳ cục đó. Nhưng, sau khi tìm hiểu qua cách nói
ý tứ, dè dặt …Tôi hiểu đại khái về thế giới bí ẩn này như sau: Họ không nói
chuyện được với nhau nếu không có điều kiện không gian phù hợp, thường có trao
đổi bằng cách nhìn vào ánh mắt. Những người chết lâu năm mà vẫn tồn tại, có
tánh hung tợn…thì trở thành Quỉ và có sức mạnh hơn. Còn giới Tinh như “Chị”chỉ
được là…chạy nhanh hơn mà thôi. “Ông ta không làm được gì Chị đâu, mà lo…”. Khi
nói đến sự hiện hình của “hồn” thì được biết…rất khó, vì cũng có lúc người ta
nhìn thấy…không hiểu tại sao?. “Chắc tuỳ năng lực mỗi người…” và dặn chúng tôi
phải cẩn thận, vì thế nào ông ấy cũng tìm cách hù doạ…
Chúng
tôi cũng không hiểu rõ chuyện thục hư thế nào, nhưng thoả thuận tạm biệt một
thời gian sẽ gặp lại. Quả vậy, những ngày sau khi chúng tôi vào bàn cơ là toàn
gặp “lão”…Tôi nổi giận thách thức, ném mạnh con cơ xuống đất: “Có ngon thì hiện
ra xem…chỉ biết ăn hiếp đàn bà con gái”…Mặc dù, chưa có hiện tượng gì rõ nét.
Nhưng mấy thằng bạn tôi nhìn đâu cũng thấy bóng, thấy gió rồi đâm ra sợ bóng
đêm…
Khoảng 2 tuần sau nhân dịp lễ Vu Lan chúng tôi tổ chức cắm trại 3 ngày 2 đêm.
Lễ Vu lan thường bị mưa nên tất cả đoàn sinh đều ngủ trong chánh điện. Đã 2
ngày sinh hoạt, thi “trò chơi lớn”và diễn văn nghệ nên mọi người đều mệt mỏi
lăn ra ngủ say. Nhưng không hiểu sao Tôi không ngủ được…ngồi nhìn cái chuông
đồng lớn bát nhã mà e sợ…thấy cái chuông đen sì như méo mó hiện ra mặt người
khổng lồ. Tôi vội chạy lại bật bóng điện sáng nơi gần cái chuông thì không thấy
hình tượng đó nữa. Nhưng…gió bắt đầu nổi lên không biết từ đâu? Các màn, phướng
bay phành phạch. thổi bụi, tàn nhang…bay mù mịch. Tôi vội trùm mền, nhưng vẫn
chừa lỗ hé mắt nhìn về cái chuông…mọi người vẫn ngủ say. Chỉ vài phút thôi, gió
lặng…Tôi cũng ngủ thiếp đi hồi nào không biết?
Đêm
thứba, chúng tôi còn 7 người (bốn nữ) ở lại để dọn dẹp vì nhà ở gần chùa (chùa
này chưa có Thầy trụ trì)…Thật ra, trong nhóm chỉ có ba người chúng tôi cầu cơ,
còn những bạn gái kia không ai biết. Vì sợ các anh chị Huynh trưởng lớn tuổi
la, chê trách…nên không ai nói.
Trong
đêm đó, mọi người thức khuya đang nói chuyện với nhau…bỗng một người bạn gái
chỉ lên tượng Phật lớn ở chính điện nói “Ủa…tượng Phật sao kỳ dzậy…”Tất cả ngạc
nhiên nhìn lên đều thấy một khuôn mặt hung dữ: Mắt trợn trừng, lông mày sếch
lên, mặt đen đúa…nhăn nhó nhìn về hướng góc chúng đang ngồi…
Trừ
hai người đã cầu cơ với tôi là hoảng hốt, còn người khác họ chỉ ngạc nhiên
thôi…chưa hiểu chuyện gì. Tôi sợ nhầm lẫn vì ánh sáng nên tới bật hết công
tắc…điện sáng trưng. Nhưng màu sắc khuôn mặt vẫn mang vẽ hung tợn, kinh
hãi…Chắc mọi người đang ngơ ngác. Tôi bình tĩnh ra đứng trước tượng Phật nói:
“Có giỏi…hãy chuyển trạng thái khuôn mặt xem…?”Thấy vậy các bạn tôi đều đến
đứng quan sát…thì khuôn mặt thay đổi từ từ ra các trạng thái vui, buồn…đôi
tròng mắt di động sang trái, phải, lên xuống…miệng cũng thay đổi đủ dạng. mọi
người đồng thanh cảm nhận theo đều giống nhau. Chuyện kéo dài rất lâu (khoảng
10 phút)…rồi trở về chân dung Phật như cũ…
Cho đến hơn 20 năm sau những người bạn thân trai, gái của Tôi vẫn thắc
mắc khi gặp lại…dù có người, có học vấn cao về khoa học giáo sư, tiến sĩ.
Nhưng Tôi làm gì hiểu rõ để giải thích được. Chỉ có điều…từ những sự kiện sãy
ra cho họ chứng kiến từ dạo đó đến nay, họ lại tin vào thế giới có ma quỷ…
Sở dĩ
Tôi nói dài dòng về chuyện liên quan đến “trò chơi”tò mò về cầu cơ…là để cho
bạn biết một chút những hiện tượng. Nhưng Tôi dám can đảm khẳng định với bạn nó
không tác dụng, liên quan gì đến cuộc sống của bạn, trừ khi…bạn bị bệnh
“chat”cầu cơ, để một lúc nào bạn bị tâm thần phân liệt giữa ảo và thật. Nên Tôi
không ngạc nhiên các thông tin về cô gái nào đó…bị điên vì cầu cơ.
Những Tôn giáo: đạo Phật hay Công giáo cũng vậy, ai hiểu
sâu về giáo lý thì đều không tin có ma quỉ…Những người thật sự tin vào thiên
chúa thì họ nghĩ khi chết linh hồn sẽ về nước chúa hay xuống địa ngục…Quỷ sa
tăng chỉ là hình tượng quyền lực bóng tối hay thói xấu của con người. Đạo Phật
thì có thuyết luân hồi…người chết chỉ có “nhân trung ấm”(linh hồn) tồn tại như
một đứa trẻ và chỉ được 49 ngày rồi đi đầu thai vào cõi khác…và đã qui y Phật
thì không tin vào thế giới thần quyền, ma quái khác. Đạo Tin lành cùng thờ
Thiên chúa, nhưng không tin vào các huyền thoại…chẳng hạn như mẹ Maria còn đồng
trinh.
Nhưng…thường những người không hiểu giáo lý tôn giáo hoặc những người không có
tôn giáo thì hay tin vào thế lực ma quỉ…Họ cúng mặn (thịt, cá…) đốt vàng mã thờ
thần tài, thổ địa, miếu am…Các người buôn bán, tài xế, những nhà xây dựng, làm
rừng...và Tôi thấy có cả những người mới lên chức lên quyền, khi thành lập hay
xây dựng trụ sở mới…Các động thái đó, dù biện minh thế nào thì họ cũng không
dấu nổi: Cúng cầu cho “người khuất mặt”, ma quỷ …mà họ tự đánh lừa là…tâm linh,
lễ nghi… Đôi khi, có người cứ Tin và cứ Cúng đại…miễn sao có lợi cho mình (ma
cúng ma).
Người dân tộc cúng ma ở nhà mã chung của làng thường vào
mùa lúa mới…họ uống rượu cần, đánh chiêng cồng, nhảy múa xung quanh nhà ma như
để vui chơi lễ hội riêng của làng, giống như Tết hàng năm…
Và ít nhất họ không tin hồn ma (của họ) lang thang, phá phách(có lẽ do đặc
tính)…nhưng họ lại tin có…“Ma lai”. Có làng cùng nhau giết chết một người mà họ
khẳng định đó là con “ma lai” làm hại dân làng. Không lẽ, chính quyền đem ra xử
cả làng tội giết người? Những làng ở gần thị xã, người Kinh…cho đến nay vẫn tin
loại ma này là có thật…nhưng những người trong rừng sâu, nhiều nơi Tôi đi qua
hỏi thì họ lắc đầu bảo ở đây không có…
“Ma lai”…không chỉ người Tây nguyên, Thái, Lào,
Campuchia, Miến điện và cả người Việt ở rẻo cao…cũng nhiều người tin là có
thật…và diễn tả hiện tượng loại “con ma” này đều giống nhau. Nhưng, bạn cũng
cần biết “ma lai” không phải là…linh hồn, mà chỉ là người bình thường sống với
cộng đồng(thường ở những cô con gái có da trắng xinh đẹp, cổ cao có ba ngấn),
nhưng bị hồn linh truyền kiếp nhập xác…ban đêm đầu rời khỏi xác mang bộ ruột đi
lang thang kiếm ăn những đồ bẩn thỉu như: Phân người, ruột động vật hay nhau
thai…Họ cho rằng: những người bị ma lai ăn phân của mình có thể vài tháng sau
đứt ruột mà chết…
Nên khi bạn vào sống trong làng…họ dều khuyên bạn nên đi tiêu xong phải lấp lại
hay phủ lá lên trên. Nhưng…Tôi không tin lắm về nhân vật “ma lai” hay “ma cà
rồng” ở khu vực vài vùng ở Buôn Ma Thuộc mà nhiều người kể…Vì nó liên
quan đến cơ học, vật lý con người…và nếu đã là có phép tách thân biến hoá thì
“ma lai” phải có nhiều cách để bảo vệ chính nó…chứ không chỉ xách cái đầu với
bộ ruột lòng thòng đi…dạo chơi, để người ta bẫy (hàng rào vướng ruột) hay đuổi
đánh…chết.
Tất nhiên cũng có một hành động, sự kiện gì đó mới khiến nhiều dân tộc tin có
“ma lai”như vậy…Nhưng Tôi thấy hầu hết những người bị bệnh “ma rừng” bắt…đều có
hành động điên(dại), có người đi lang thang lên rừng hoặc bạ cái gì cũng bốc
đưa vào miệng…Giống như một số loại bệnh “hành động”do vi rút chó dại của chúng
ta vậy…hay là bệnh thèm ăn kỳ cục của một số phụ nữ vùng xa, khi mang thai
thích ăn đất vách, phân bò khô…
Tôi nghĩ người ta giết người nào đó! là vì sợ lây bệnh hoặc ngăn ngừa thói xấu
trong cộng đồng thực tế hơn là tin…“ma lai”. Đôi khi chưa có nền văn minh khoa
học, ngôn ngữ “ma”dùng để chỉ định mơ hồ, những cái không định dạng…làm về sau
này: Người ta dễ ngộ nhận thần quỉ quái hoá…Và Tôi cũng đoán rằng: Do một loài
vi rút nào đó tấn công não hay chỉ là…“huyền thoại” về vệ sinh cộng đồng mà
thôi. Còn “ma cà rồng”…Có lẽ, trước kia vùng này có một loại dơi hút máu động
vật. Loài dơi bé tí này thường có nhiều ở khu vực Trung Mỹ (theo sách khoa
học). về mặt hình thức, cùng họ Dơi nhưng chúng có đặt điểm sinh học khác là:
Hút máu để sống, thị lực nhìn xa rất tốt, có thể nhảy lên để bay. Chúng có thể
cắn người và truyền bệnh dại, nó cũng có dịch tiết gây tê (chất không đông máu
giống loài đĩa) làm người bị cắn không hề biết…nhất là đang ngủ.
Sở dĩ, Tôi suy luận như vậy, vì họ mô tả đó là…Có hình thù Con Dơi to lớn gần
bằng người, cũng hai vết răng cắn hút máu cứ chảy mãi…và người đã bị cắn thì có
thể bị cắn liên tục vài đêm (những người Kinh “phiên dịch”lại, thì hư cấu thêm
…cho“logic”: Nam 7 đêm, Nữ 9 đêm). Rồi sau đó người bị cắn…sẽ điên(dại) mà
chết! Tôi nghĩ: Gọi là “ma
cà rồng” là do người Kinh đặt tên cho chúng! Chứ trong tiếng dân tộc tây nguyên
tôi chưa nghe bao giờ. Chỉ có “ma rừng”… để chỉ về bệnh gì đó
mà người ta không xác định…
...........................................................................................................(còn
tiếp)
Rừng núi hoang sơ...(5)
(Câu
chuyện đường rừng...)
(5)
Nhưng
với người dân tộc tây nguyên…đến giờ này Tôi vẫn thắc mắc nhất là: Thư và thuốc
mê “con gái”…Còn thuốc sinh đẻ hay tránh thai thì Tôi suy luận đơn giản hơn
trong quá trình sống và quan sát…
Tôi
không phải là nhà khoa học hay có kiến thức gì về thực vật nhiều…Nhưng suy luận
theo quy tắc, cảm quan Đông y, Nam dược mà Tôi cũng có tham khảo…Thì vật thực ở
tây nguyên mà người bản địa sinh sống không nhiều lắm ngoài những loại ngũ cốc,
rau quả chẳng khác gì người miền xuôi đã có…thậm chí còn ít hơn rất nhiều. Có
khác chăng là cũng một loại gạo tẻ hay bầu, bí, mướp, ớt, cà…có hạt giống khác,
vị ngọt và bùi hơn mà thôi. Rất nhiều gia vị mà người miền cao không quen sử
dụng được như hành, tỏi, gừng, nghệ…và nhiều loại rau quả ở đây không có. Riêng
về loại thịt cá…Thì chỉ có cá nước ngọt đầm lầy, sông suối, ghềnh thác…một vài
loài cá lạ không nhiều. Còn ngoài thịt lợn nuôi, bò, trâu, dê, gà…thì hầu hết
là thịt rừng, nhưng chỉ lựa chọn các loại có vị ngọt…ít người sử dụng thịt
ngựa, chó, hổ, voi…
Người
miền xuôi chúng ta thường ăn thịt động vật không chừa thứ gì có trong con vật
kể cả đầu cánh, lòng ruột, phèo phổi…Nhưng với họ, trừ ruột non của con Dê
ra…mọi con vật khác họ chỉ dùng thịt. Những thứ mà chúng ta cho là quí giá để
bổ dưỡng hay làm thuốc họ đều bỏ đi, không ăn…Mặc dù họ có biết chúng ta quí và
sử dụng…nhưng thật lạ, họ có thể học và làm theo nhiều cái của người Kinh,
nhưng những cách ăn như vậy họ cho là không cần thiết hoặc dơ bẩn…
Điều
đó, chứng tỏ họ không có khái niệm hay muốn sử dụng y học đông phương của chúng
ta…trừ khi các loại thuốc và thiết bị y học của Châu âu, Mỹ…Điều này, cũng
giống như khi Tôi qua Lào, nhiều người cũng hỏi Tôi về tác dụng của mật gấu,
sừng tê giác…có chữa được bách bệnh không…mà người Việt Nam và Trung Quốc mua
nhiều tiền vậy? Tôi không biết trả lời sao…chỉ nói: Có thể, nó có tác dụng về
mặt tinh thần (niềm tin), nếu dư tiền mua thử chơi cho biết…
Ở
đây, Tôi muốn nói…họ rất đơn giản trong ăn uống, thuốc thang không có gì đặc
biệt như người ta đồn đoán, khi bị xây xước họ dùng thuốc lá đắp lên vết
thương. Một số người kinh hỏi họ về thuốc cho thai phụ hoặc tránh thai…thì đàn
ông họ thường nói không biết! chỉ…có phụ nữ biết thôi! Nhưng đàn bà lại không
nói vì…mất thiêng!?
Theo Tôi nghĩ…vì chúng ta thấy họ sinh đẻ xong thì đem ra
giọt nước (đừng nhầm sông suối)tắm cả mẹ và con…nên nghĩ rằng chắc họ có
thuốc gì đó mới làm như vậy? Thực tế…là do người phụ nữ của chúng ta kiêng cữ
thái quá! nên nhìn nhận như vậy mà thôi (nhất là người miền trung)…
Tuy
nhiên, cách làm như vậy cũng rất nguy hiểm đối với đứa trẻ quá yếu…Nhưng, theo
quan niệm của họ “Người sinh ra…còn trời chỉ nuôi những đứa bé mạnh khoẻ”… Đây là thuộc về quan điểm đạo đức mỗi dân tộc Tôi
không có ý kiến gì. Chẳng hạn: Có sinh thì phải dưỡng…nhưng ở đây có thể: Sống
thì phải đủ sức khoẻ sống tốt (?)
Trong
quần thể của họ, những người sống thọ không nhiều, ít người tàn tật…và mỗi gia
đình thường nhiều nhất là 3, 4 đứa con trở lại…Có lẽ vậy, mà người ta nghĩ họ
có thuốc ngừa thai. Nhưng theo Tôi…ngừa thai? Dân tộc nào cũng vậy, từ xưa ai
cũng nghĩ đến…nhưng thành công? thì không bao giờ tuyệt đối và còn nguy hiểm
với những thuốc nhân gian “phỏng đoán”…(trừ y học hiện đại hôm nay). Có người
Kinh vào tìm mua thuốc “bí truyền” của họ…trong khi đó, nhiều người dân tộc
phải cõng, cán vợ con họ tìm đến bệnh viện nhờ chữa trị…Họ là người rất lạc hậu
với phương tiện văn minh…nhưng tư tưởng họ rất hiện thực không như nhiều người
lầm tưởng. Đôi khi Tôi nghĩ…Họ là người trung thực với cuộc sống, nên có tư duy
(năng lực) nhìn ra “cái gì”giả dối dễ hơn chúng ta. Vài người nói với Tôi:
Người “Doanh”(Kinh) thông minh…nhưng làm và nghĩ “không có” thật…
Dẫu
vậy, thật tình mà nói: Tôi lo ngại thế giới sống của họ đang bị thu hẹp. Phương
tiện khoa học sẽ thống trị, môi trường sống sẽ bị đảo lộn…khó thích ứng.
Còn thuốc mê “Con gái”! có thật không…? Tôi khẳng định
với bạn là có thật! nhưng tác dụng…Tôi không biết? Vì không dám thử. Đây cũng
chỉ là sự tình cờ vì theo họ nói (những chàng trai) rất khó tìm trong rừng, vì
nó là của hiếm…
Một
hôm, cùng với các trai gái của làng lên rừng khoảng 10 ngày để phát hoang trồng
trọt một khu vực riêng cho thanh niên (tài sản chung)…Tôi đang cầm súng đi săn
một mình, lang thang leo lên ngọn đồi mà ở đó nhiều bụi le, cây bui…chắc rất
nhiều gà rừng. Săn gà rừng? rất khó tiếp cận vì chúng nó rất thính tai, và khu
vực chúng sinh sống ở mặt đất rất nhiều lá…khó mà di chuyển mà không dẵm tiếng
động lên lá khô. Thường người dân tộc họ đặt bẫy trên nương rẫy, vì đi săn
chúng không hiệu quả với cung nỏ…chỉ cần tiếng bật dây cung cũng làm cho nó
giật mình, chưa nói các nhánh cây che lấp. Tôi dùng súng thường chỉ bắn theo
quán tính khi chúng đang bay qua một khoảng trời hẹp, của một hợp thuỷ nào đó.
Hôm
nay là mùa xuân đang đến, nên núi rừng rất yên tĩnh. Vì vậy Tôi bước đi tránh
tiếng động một cách cẩn thận…Bỗng Tôi nghe tiếng thì thào…núp nhanh vào gốc
cây, lắng nghe có đào đất. Tôi khom lủi nhanh về hướng đó…qua bụi cây, thì thấy
ba người con trai trong làng Tôi đang đào kiếm cái gì dưới đất. Định lên tiếng
chào hỏi…nhưng thấy vẻ mặt họ lộ rõ nghiêm trọng…so sánh chia chác thứ gì đã
đào bới được, nên lặng yên bí mật theo dõi. Họ tiếp tục tìm kiếm với sắc mặt
hồi hộp, vội vàng…nhưng túm hụm vào nhau mà không tách ra để tìm kiếm. Với cách
thức lom khom bò sát đất, nhanh nhẹn, vội vàng của họ khiến tôi ngạc nhiên,
không hiểu là kiếm cái gì?…Sau một hồi, có lẽ không tìm được, họ túm lại xì xào
muốn chia chác cái đầu tiên tìm được…
Lúc
này Tôi mới xuất hiện…cả ba đều giật mình. Người đang cầm vật gì đó đã đào bới
được đưa tay dấu sau lưng. Tôi hỏi “đang tìm kiếm gì vậy”? Ba anh chàng này
lúng túng, nhìn chỗ khác vụng nề nói dối “không có gì đâu…”. Tôi rất tò mò muốn
biết, nhưng Tôi rất hiểu cá tính người bản địa nên cũng không gặng hỏi, chỉ
nói: “Nếu có gì tốt (quí) cùng đi với nhau thì phải chia giống (bằng) nhau…”Nói
xong Tôi lắc đầu như không hài lòng, lửng thửng quay lưng bỏ đi được một đoạn,
thì họ lên tiếng gọi…và cùng đi lại. Xoè tay ra, thấy trong lòng bàn tay có ba
củ gì nhỏ xíu, hơi bầu dục, có vỏ ngoài gíông như gừng, nghệ…Anh ta, chia cho
hai người kia mỗi người một củ. Củ còn lại, lấy dao cắt ra đều, chỉ còn bằng
ngón tay út…Anh ta đưa cho Tôi một nữa.
Không
biết là củ gì nhưng Tôi không vội hỏi, đưa tay cầm xem thử, thấy lòng ruột chỉ
là một màu trắng mịn và mùi hương đặt biệt toả ra. Tôi đã biết và ngửi được vài
loại nước hoa của Pháp, mà những phụ nữ làm ở “quán ba” gần nhà Tôi ngày xưa,
hay sử dụng…Nó cũng tương tự như vậy, nhưng mùi hương loại này rất dịu thoảng
trong gió không rõ rệt lắm…
Xem và ngửi
xong Tôi đưa trả lại. Họ nhìn và hiểu Tôi không biết gì…cầm lấy nhét lại vào
túi áo của Tôi, nói “Thầy sẽ được lũ con gái mê nhiều…”Lần nầy, thì Tôi ngạc
nhiên thực sự. Dù ngoài thị xã đã nghe người ta kháo nhau, nhưng Tôi không để
ý. Những bùa mê, thuốc lú…vay nợ, dụ vợ chồng người khác, tự móc túi đưa tiền
không lý do…Đối với Tôi chỉ là sự biện minh hoặc lý giải cho những trường
hợp…"khó hiểu", mà người ta đổ thừa cho qua chuyện (trừ loại thuốc
gây mê, bất tỉnh)…
Tôi
hỏi mấy “ông con trai”này, về đối tượng và cách sử dụng…thì đơn giản là bỏ
trong người, đến nói chuyện riêng…là họ mê ngay, tất cả phụ nữ đều bị…“Nhưng
thầy chỉ được làm con gái chưa chồng thôi”. Tôi hỏi "phụ nữ có cái này làm
đàn ông mê được không?" Họ lắc đầu. "Vậy nó khô héo hết thì
sao?" Họ lắc đầu. Tôi bật cười: “Đụng lỡ mẹ và em gái thì sao?” “Nó…sẽ mê
luôn, đừng đem vào nhà…”. Trời đất!...Tôi cũng lắc đầu luôn “Sợ lắm”đưa trả
lại...và họ bắt buộc Tôi phải hứa: "Không được nói với ai". Tôi
đưa tay ngang ngực như lời thề, để ba anh chàng trai rừng núi này an tâm…
Tôi
có quyền nghi ngờ loại “thuốc mê”…mẫn này? Từ câu chuyện với người bản
địa…”chạy” đến người kinh chúng ta nó đã khác nhau. Vì người ta “huyền thoại”
thêm: Đàn bà, đàn ông mà đã bị thuốc mê của họ (người thượng)là quên hết lối
về…suốt đời ở với họ. Theo Tôi nghĩ, nó chỉ có tác dụng thêm hương hoa cho
không gian tình yêu như mùi nước hoa quyến rũ mà thôi…và tác dụng với đàn ông
chúng ta nhiều hơn là phụ nữ. Ngoài ra, cách giải thích của người dân tộc…Tôi
đoán: Khi có loại “thuốc mê”này sẽ làm cho các chàng trai nhát gái thêm can
đảm, tự tin hơn…khi nói chuyện với gái.
Bùa, ngãi…trong nước thường chỉ có người Chiêm, khơme…có
lẽ, xuất phát từ nguồn gốc Campuchia, Thái Lan phần lớn. Người Kinh có nguồn
gốc dân tộc đó không phải là ít…Nhưng nói chung, hình như Bùa, Ngãi không chỉ ở
các nước xung quanh của chúng ta mà có cả khắp trên thế giới…
Tôi
cũng đã tìm một số sách liên quan…thì thấy có người tin có người cho là mê tín
trong một vài câu chuyện ly kỳ hoặc phê phán…Tuy nhiên, nếu xét theo tâm lý thì
khi có hiện tương không bình thường, tai nạn, bệnh tật…Người ta vẫn cứ cầu bùa,
trừ ngãi kể cả không tin. Vì con người luôn bất an về…sự giới hạn của con
người.
“Bùa”
thường viết bằng kiểu chữ của Lào, Thái, campuchia…ở các khu vực trung đông
theo đạo hồi giáo, hay chữ phạn kinh Phật, hoặc xứ ai cập cổ đại…Còn “Ngãi”
được mô tả như một loại cây thực vật có linh hồn sống bằng máu hoặc thịt động
vật được con người nuôi trồng để sai khiến …
Bùa,
Ngãi thường đi đôi với nhau…Chúng đều có mục đích dùng hại người hay cứu người
cũng được, tuỳ theo chủ nhân của nó, theo cách...yểm Bùa hay thư Ngãi. Có nghĩa
đây là chiến tranh bằng phép thuật, do con người tạo ra…có công cụ, hiện vật
kiểu thần thánh…
Người
dân tộc tây nguyên không dùng Bùa nhưng lại rất tin vào Thư Ngãi. Tôi may mắn
được chứng kiến một lần họ trừ ngãi, chữa Thư…đến hôm nay cũng còn bị mê hoặc…
Vốn
là…một hôm đi công tác ngang qua làng cũ Tôi đã từng ở. Vì sự quyến luyến của
họ khi ra đi, nên tiện đường ghé thăm làng một đêm, tỏ chút lòng tình nghĩa. Ở
đây, có một giáo viên người dân tộc đến thay Tôi…nhưng nghe nói đã qua một lần
“con trăng” sáng…anh ta bị bệnh đau trong bụng, uống nhiều loại thuốc tây nhưng
không khỏi. Lúc Tôi đến lên nhà, thì thấy có nhiều người già làng ngồi xung
quanh anh ta. Trong đó, có một bà già nhất làng, có khuôn mặt nhăn nheo, nếp
nhăn chi chít khó đoán tuổi và đôi mắt như lửa, nhưng nụ cười nhăn nhở vài cái
răng trông rất thân thiện. Khi họ nói chuyện với nhau Tôi mới biết bà là người
hiếm hoi của các làng gần đây làm nghề “phù thuỷ”. Cuối cùng sau khi xem bệnh
kỹ…Bà nói những điều kiện cần chuẩn bị cho ngày mai. Khi mặt trời vừa lặn sau
ngọn cây, bà sẽ đến chữa cho anh ta. Tôi nghe được lõm bõm là…Có người thù
ghét! Nên bỏ đá sạn, mảnh chai vào bụng anh ta…
Sáng hôm
sau,Tôi thấy người trong làng không lên nương rẫy mà ở nhà chuẩn bị làm gà, nấu
cơm, gùi các ghè rượu đi cúng các đầu đường vào làng. Thật ra, có một lần Tôi
bị bệnh viêm tai nặng, vì lặn sâu dưới suối nhiều lần để tìm những viên đá
cuội, có màu sắc rất đẹp. Từ làng này, đường đến trạm y tế huyện rất xa, nên
khó đi đến nơi…Họ cũng cúng cho Tôi như vậy và Bà cũng lại thăm tôi…nhưng bà
lắc đầu không biết bệnh gì (Hồi đó Tôi không biết bà là “phù thuỷ”). Bà sống
một mình không chồng con, dân làng nuôi thì phải…Bà thỉnh thoảng ghé qua nhà
thăm hỏi và muốn nhận Tôi làm “con nuôi”nhưng Tôi chỉ cười không nói
gì…nhưng cũng vì cái ý tình cảm đó! Tôi cũng hay qua nhà bà nói chuyện cho vui
…Trong đời Tôi, lần đó là bị bệnh nặng nhất vì cả những cơn sốt rét rừng làm
tôi quỵ ngã. Nhưng nhờ ý chí và lòng can đảm…Tôi lén băng tắt đường rừng khi
trời mờ sáng mà người dân tộc không dám đi đường đó…vì Tôi không muốn phiền họ…
Người
thầy giáo bị bệnh này cũng có học vấn, kiến thức rất tốt (lớp 12) anh ta
học ngoài thị xã trước 1975. Khi tôi hỏi, thì anh ta cũng nói là bệnh đau bụng
này không thông thường…Và cũng đã đi khám bệnh, uống thuốc viêm đường ruột bác
sĩ cho rồi, nhưng không khỏi…nó đau khủng khiếp từng đợt, càng ngày càng đau
hơn, giống như có từng cái kim đâm vào ruột…
Chiều
đến, họ chuẩn bị trên đầu nằm của anh ta một gói cơm thịt và ghè rượu nhỏ. Nghe
nói…thường một hai người lớn tuổi mới được xem. Nhưng bà bảo Tôi là “người tốt”
nên cho ngồi cạnh xem và dẫn giải từng công việc: Đầu tiên là cúng người “Thầy”
đã dạy bà, sau đó phải dồn chúng lại lỗ rún bắt cho dễ, nếu cái nào không nghe
lời sẽ tìm cách đánh chúng thật đau…chúng chạy lung tung rồi nhanh tay bắt lấy…
Bà
“phù thủy” ngồi vừa niệm đọc “thần chú” ngôn ngữ lạ lùng gì đó liên tục, đêu
đều rất nhanh…vừa đưa mười ngón tay run run vuốt như gom lại vị trí nơi
lỗ rún người bệnh. Trên miệng ngậm một chiếc lá cuốn như ống phiễu mỗi lần hút
các viên sỏi đá hay mảnh chai nhỏ nhảy lên khỏi bụng người bệnh…là bà nhanh
nhẹn sử dụng hai ngón tay: Cái và trỏ chụp lấy một cách chính xác ít khi trượt,
rồi bỏ vào chiếc lá đang để dưới sàn nhà. Tôi căng mắt ra để quan sát rất kỹ
xem thử…có sử dụng ảo thuật gì không? Nhưng…quả thật, khó có điểm nào để nghi
ngờ, nhận ra có xảo thuật…
Cứ
vậy, bà bắt từng viên nên công việc có vẻ hơi lâu…nhất là vài mảnh chai
cuối cùng, truy đuổi chúng rất vất vả, căng thẳng…nhưng rồi mọi việc cũng xong,
sau khi kiểm tra không còn “con”nào nữa, bà cười nói “hết rồi”. Tôi đề nghị bỏ
những hạt sạn và mảnh chai lên tay để xem thử, nhưng bà bảo rằng nó sẽ chạy vào
người của Tôi. Khi hỏi: “vậy đem chúng nó bỏ đâu?” Bà nói sẽ cho nó chui thẳng
xuống đất mất luôn…
Khi
Tôi hỏi lại người bệnh xem có đỡ đau chưa…anh ta gật đầu. Vài tháng sau đó, Tôi
gặp ở phòng giáo dục thì biết được anh ta xin chuyển sang dạy ở làng khác…sau
khi gia đình đã gùi lúa và một con heo đến tạ cho người chữa bệnh. Về lý do…anh
ta nghi ngờ mình bị người trong làng đó…Thư. Tôi ngạc nhiên nói rằng:
-
Mình ở đó lâu sao không bị…?
-
Không biết…Tôi hỏi bà “thầy”thì bà nói: Thầy là người tốt và mạnh cái đầu, nên
khó bị người khác yểm…Nhiều làng biết tên thầy và “thương” thầy lắm…
Tôi
rất thắc mắc…vô lẽ, mọi chuyện thần bí cũng liên quan đến tư tưởng và tinh thần
của con người…?
Không
biết bạn có tin không? Vì phần lớn con người ở xứ sở chúng ta vẫn còn tin vào
những điều đó…Người Thái, Lào, campuchia, khme, Chiêm…hầu hết là tin và không
cần lý giải. Tôi nhận thấy những dân cư theo Hồi giáo hay Phật giáo tiểu thừa,
đều có tư tưởng, niềm tin “vạn vật hữu linh”…Riêng Tôi: “Bùa”Tôi không tin
tưởng lắm…Vì các dân tộc trong vùng sâu còn sơ khai chẳng có giấy viết, chữ
nghĩa gì? mà…vẽ. Các chữ vẽ bùa theo ký tự gốc trung đông hay của trung quốc,
tây tạng xa lạ…quỷ thần họ mới đọc được nghĩa “lệnh”. Nó giống như sáng tác
“vàng mã” đốt xưa kia…chuyển sang nhà
cửa, đôla, xe cộ…(Chết…giàu hơn sống).
Còn
“Ngãi”theo như mô tả…nó là loại thực vật đặc biệt! có thể tin. Vì cũng có nhiều
loại thực vật cũng biết tiêu hoá động vật bằng cách này hay cách khác. Nhưng,
nếu biến hoá nhập vào vật chất thụ động (đá sỏi, mảnh chai) kiểu đó thì…đẳng
cấp “biến hoá”thần thánh hơn con người rồi…nhưng lại bị con người sai khiến(?).
Vậy con người chính là tác giả mọi sự kiện…? Sự “phản thầy”phải chăng là “nghề
nào, nghiệp đó” đối với những vật vô tri? Những loại thuốc độc, những chất hoá
học vô cơ cũng có thể gây ra những lỗi lầm như vậy…
Có
thế giới này…chắc phải có thế giới khác và năng lực của một sinh vật đặt biệt
nào đó…con người cũng chưa hiểu hết được. Sự giới hạn vật chất khiến người ta
cũng có thể suy ra quyền lực huyền thoại “cứu rỗi” mình. Hoặc một vài trường
hợp sãy ra kỳ bí của thiên nhiên hay năng lực kì lạ chưa giới hạn của con người
và những nhà thôi miên, ảo thuật tài năng, kỳ diệu…làm cho thế giới thêm huyền
bí, lạ lùng…
Rừng núi hoang sơ...(phần cuối)
(Câu chuyện đường rừng...)
(Phần cuối)
Hơn
hai năm công tác văn hoá. Buôn làng đầu tiên là tôi dừng chân lâu nhất. Khi từ
gĩa ra đi, Tôi quá ngạc nhiên về tình cảm xúc động của họ…Họ đưa tiễn tôi bằng
những giọt nước mắt chân thành tự nhiên, làm lòng mình se lại…Tôi đã đi qua
nhiều ngôi làng như thế bằng sự hồn nhiên của mình giữa thiên nhiên và con
người ở nơi đây…
Nhưng
lại là hậu quả cho nhiều người Kinh đến sau Tôi. Vì những người đó, sống
riêng cho cá nhân mình mà ngỡ là quyền lợi. Họ lợi dụng lòng tốt để xin xỏ tất
cả những gì có thể…Nói chuyện không thực tâm, dạy đời, khách sáo hay quá xa
cách về chủng tộc…Không như Tôi, không nhận tất cả cái gì có lợi cho mình kể cả
những vật hiếm hoi, kỳ diệu của rừng núi…
Bạn
biết không? Tôi có thể đi băng rừng 2 ngày đường…chỉ để lấy vài ký gạo kém phẩm
chất, hay gùi một ba lô sách vở mà ngỡ…trách nhiệm phải làm. Tôi vô tư không
nghĩ sau này những nơi Tôi đến…từ buôn làng gần cho đến xa xôi biên giới họ đều
biết tên Tôi, hình dáng Tôi…với lòng hân hoan thân thiết. Bạn thấy không? niềm
tin con người chính là sự hồn nhiên chứ không phải lòng tốt…
Những
đấu tranh của họ chỉ là xua đuổi những thú dữ đến gần…Còn con người bình thường
hay thiên nhiên hoang dã…luôn là bạn của họ. Bới vì, con người là tình cảm của
họ, thiên nhiên nuôi nấng họ. Thế giới nơi đây không có sự cạnh tranh…trừ khi
rừng bị tàn phá.
Còn thế giới mà
bạn đang sống thì phải cạnh tranh giữa người với người và cả phương tiện khoa
học kỹ thuật…nên đôi khi bạn phải có quan điểm sống khác họ, nếu muốn tồn tại?.
Nhưng đã được tồn tại không có nghĩa là dừng lại, mà bằng cách luôn luôn đề
phòng và đấu tranh mới!…một “định lý” không ngơi nghĩ…?
Chân
dung lúc 22 tuổi...
Nhưng
rừng núi có thật sự bình yên như Tôi nghĩ…?
Thấm
thoát chu kỳ Xuân- Hạ-Thu- Đông cũng qua mau, thời gian công tác đã đủ…Tôi đành
tạm biệt núi rừng như tạm biệt…mối tình dang dỡ (không đùa đâu). Vì trên đường
công tác đã đi qua, đâu chỉ là tình nghĩa với người dân…mà còn những người đồng
nghiệp: Cô giáo, thầy giáo hầu hết vẫn còn quá trẻ giữa cuộc sống cô đơn (với
họ). Xa gia đình lần đầu, xa phố thị thân quen, đôi khi…quá ngây thơ, quá cô
độc giữa núi rừng xa lạ. Nếu bất ngờ gặp nhau, họ mừng rỡ như quen biết từ lâu,
dẫu chưa bao giờ biết mặt, quen tên…họ đã vồn vã gọi mời ở lại.
Bạn
biết không? ở trong hoàn cảnh như thế này, người ta sống phần lớn là nhờ tình
người, tình bạn. Thỉnh thoảng vì hoài cảm không gian, lòng người lặng lẽ…Tôi
ghé lại một đêm, giữa gió lạnh rừng sâu, bên lửa bếp nhà sàn sưởi ấm…Tôi đàn và
hát chỉ những khúc nhạc tình ca mộng mơ…để mơn man dòng đời, lòng người một
chút kiêu sa…mà không dám hát nhạc Ngô Thuỵ Miên hay Vũ Thanh An…vì sợ những
giọt nước mắt ngà hay giọt sương long lanh giữa một làn khói trắng…
Tôi
cũng không hiểu lắm vì sao? Những cô gái thị thành phảng phất nét đài các, xinh
đẹp mà phải vào tận nơi đây…Chắc là nhiều lý do: Gia đình hay xã hội gì đó …khó
bày tỏ, và thường không ai hỏi ai. Thỉnh thoảng, thấy nét suy tư của Thầy và
đôi mắt buồn của cô giáo, lòng Tôi đầy ái ngại…
Họ
không như Tôi…chỉ là một kẻ lãng du, chỉ là người rong ruổi tháng với
ngày…trong một hành trình chưa vướng bận nổi niềm riêng, chưa nhìn thấy được
tương lai, nên lối về không thấy mình cô độc…Tôi chỉ xót xa…có vài người, có
vài lần gặp gỡ, quen biết! mà vội đành vĩnh biệt cõi đời, chết như mơ…hồn dật
dờ, không biết có tìm về quê quán cũ?...vì rừng sâu nước độc, sương lam chướng
khí, thất thường của sông suối, núi rừng, khi mà tuổi đời còn xuân trẻ,
còn nhiều mơ ước…
Một
hôm, có người đến gặp Tôi giữa rừng vàng nhạt nắng, khói trời se lạnh…Anh nói
về thân phận, về xã hội nhân sinh, về những điều mất mát mà anh phải gánh chịu
giữa định mệnh vô lý giữa núi rừng oan nghiệt…Và anh ấy đã trách Tôi là người
vô tâm, sống không lý tưởng, cách sống cô độc, cá nhân chỉ làm mình được nổi
tiếng. Vẽ đẹp, hát hay, đàn giỏi chỉ để mê hoặc…đàn bà con gái.
Bạn
biết không?...Những lời anh ấy nói không hề sai với cuộc đời thật…Nhưng khi đi
tìm chân lý…Tôi nghĩ, người ta phải thật hồn nhiên trong sáng, không hận thù ai
oán những nổi niềm riêng và nhất là không được so đo, tính toán…Nhưng Tôi rất
hiểu và cảm thông cho anh ấy! khi nhìn vào núi rừng tối tăm, không lối thoát…và
đất nước ngỡ là hoà bình? Nhưng không phải vậy, mầm sống đấu tranh diễn ra khắp
nơi từ phố thị đến rừng núi xa xôi. Nó như một định mệnh lịch sử…và ai hoặc bên
nào cũng có thể là nạn nhân trong dòng xoáy đó. Những tốp người vượt biên chạy
trốn, những người hôm trước còn ngủ với nhau thì hôm sau họ ở bên kia chiến
tuyến, ranh giới vô hình có ở khắp nơi…Nhưng, Tôi chỉ thích làm loài thú đi
hoang, là kẻ phiêu lãng, không thích nô lệ cho ranh giới nào cả, mặc dù Tôi
biết điều này có thể làm cho tương lai mình mong manh hơn…Biết làm sao được?
Tôi chỉ thở dài, ưu tư: “Anh hãy xem gian nan là sự tồn tại vĩnh hằng…còn hạnh
phúc đôi khi chỉ là điều may rủi. Và chấp nhận số phận cũng là cách xoay vần
định mệnh…”
Ngày
trở về phố thị, đứng trên đồi cao giữa một buổi chiều…cuối chân trời ửng hồng,
sắc vàng nắng muộn còn vương nhẹ lên ngọn cây xa xa…Thời gian đưa tiễn, có một
chút gì không khí hơi thu giao mùa mưa, nắng…mênh mông. Tôi đã bỏ lại sau lưng...núi
đồi bao la, chập chùng sương khói, với những buổi chiều khói bếp quyện vươn lên
mái nhà sàn, hàng cây lặng lẽ…tiếng chiêng cồng vang xa những đêm thanh vắng.
Chắc tương lai không còn nguyên vẹn hoang sơ nữa…vì rừng xưa đã bắt đầu mang
thêm những dấu vết chân đi của nền văn minh mới: Những thầy cô giáo, những cán
bộ thu mua, những nông trường trạm trại, những mậu dịch viên có mặt ở khắp
nơi…Đó cũng là lý do khiến Tôi không còn hào hứng…mặc dù với thành tích đặc
biệt, thâm tình bản xứ…Tôi có điều kiện, khả năng lưu lại nơi đây. Và còn một
lý do quan trọng…khi cảm thấy ngành giáo dục không còn phù hợp với mình nữa…
Thật
ra theo Tôi nghĩ…công việc đem “cái chữ”
đến những buôn làng xa xôi, có thể không phải là mục đích chính. Vì không
thực tế, không tồn tại và cũng chẳng đủ cơ sở gì để bảo rằng họ chỉ biết nói
đến tiếng mẹ đẻ, mà bắt họ nhớ và học một ngôn ngữ xa lạ. Đôi khi, cả đời chẳng
bao giờ nói. Hơn nữa họ đã có chữ viết riêng (có thể cùng một thời với chữ quốc
ngữ chúng ta). Tôi đã gặp một số trí thức gần thị xã…họ cho Tôi xem sách báo,
truyện tranh được in rất chuẩn mực, nghệ thuật rất cao ở trước đó và họ không
được hài lòng cách học chữ hiện nay…
Tôi
đã nhận ra đâu đó sự mất lòng tin, khi những người đến với họ bằng tính cách tự
cao, kẻ cả, thiếu lễ độ và có cả những người gian dối, chỉ là hình thức họ phải
gánh chịu sự chăm nuôi…Sự đồng hoá tiến bộ là đương nhiên khó tránh khỏi, nhưng
nó đi tuần tự, tự nhiên không quá vội vàng, cực đoan, gây ấn tượng đáng ghét…
Tôi
đành phải từ biệt và rời bỏ nếp sống hoang dại...lãng quên một vài dĩ vãng buồn
vương ở nơi đây với thác đá gập ghềnh ì ầm, nước suối reo trong veo. Những cơn
mưa rừng chợt đến, chợt đi hoặc triền miên trong đêm tối. Tiếng ve sầu…như một
điệp khúc hài hoà đón chào và đưa tiễn trên chặng đường đi sâu thẳm…Hay tìm
bóng mát bình yên, ngủ quên giữa đồi hoa nắng với thoảng thoảng mùi hương ngây
đắng hoa dại Dã quỳ…để thử đi tìm một mùa xuân mới…
Và
bạn biết không? gần 30 mươi năm sau Tôi đã trở lại…nhưng rừng núi năm xưa xa lạ
quá! không còn nữa…Những công trình Thuỷ lợi , thuỷ điện, đường xá giao thông và
cao su, hồ tiêu, cà phê bạt ngàn, với những đồi thông thưa thớt rãi rác giữa đồi
núi trơ trụi cỏ dại ngu ngơ, bóng cây rừng hùng dũng, thân thiện quen thuộc ngày
nào không còn nữa…Dĩ vãng ấy! phải chăng giờ đây, đã chìm hẵn vào giữa dòng lịch
sử "văn minh".
Rừng
núi không còn gì là hoang sơ nữa rồi! Lòng Tôi buồn thổn thức...chỉ thấy
một nổi nhớ hoang vu...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét